Shoji Morimoto đi cùng khách hàng của mình đến công viên để chơi bập bênh, cùng họ đến nhà ga và đi ăn trưa rồi vẫy tay tạm biệt nhau ở nhà ga. Anh được trả tiền để đơn giản là làm bạn đồng hành cùng họ.
Người đàn ông lớn lên ở vùng Kansai (phía nam Nhật Bản), có được thứ mà nhiều người coi là công việc trong mơ: anh được trả tiền để không làm gì cả.
Anh chàng 38 tuổi sống tại Tokyo tính phí 10.000 yen (71 USD) mỗi giờ để đi cùng khách hàng, và chỉ đơn giản là một người bạn đồng hành cùng họ.
"Về cơ bản, tôi cho thuê chính mình. Việc của tôi là có mặt ở bất cứ đâu mà khách hàng muốn tôi ở đó và không làm gì đặc biệt", Morimoto nói với Reuters, cho biết thêm anh đã nhận được 4.000 đơn hàng trong 4 năm qua.
Morimoto "cho thuê chính mình" suốt 4 năm qua, nhận được khoảng 4.000 đơn hàng. Ảnh: Reuters. |
Những khách hàng đặc biệt
Morimoto còn có biệt danh là “rental-san” hay “người lạ lặng im”. Công việc của anh thu hút khá nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.
Với vóc dáng cao lớn và ngoại hình trung bình, Morimoto tự hào khi có gần 250.000 người theo dõi trên Twitter, nơi anh gặp gỡ phần lớn khách hàng của mình. Khoảng 1/4 trong số đó là những khách quen, có một người đã thuê anh tới 270 lần.
Các hợp đồng xuất hiện ngày càng nhiều, mang về cho Morimoto khoản thu nhập ổn định. Ban đầu dịch vụ hoàn toàn miễn phí nhưng Morimoto hiện tính phí để giảm khối lượng công việc và không gây lãng phí thời gian.
Công việc đặc biệt đã đưa anh đến với những khách hàng kỳ lạ, ví dụ như một người chỉ muốn thuê anh để cùng chơi bập bênh. Một người khác thuê anh ngồi với họ trong lúc hoàn thành luận án, vì lo rằng việc ngồi một mình sẽ sinh cảm giác chểnh mảng.
Một phụ nữ đã thuê anh đi cùng khi cô nộp giấy tờ ly hôn. Có lần, anh ngồi với một khách hàng để tư vấn phẫu thuật cắt trĩ, đi kèm rất nhiều hình ảnh minh họa. Morimoto cũng lắng nghe các nhân viên chăm sóc sức khỏe mô tả về thiệt hại sức khỏe tâm thần trong đại dịch.
Morimoto đi ra ngoài cùng Aruna Chida, một cô gái muốn mặc trang phục truyền thống Ấn Độ, và hai người không cần trò chuyện với nhau. Ảnh: Reuters. |
Morimoto nhận thấy khách hàng của mình không muốn tạo gánh nặng cho người khác, nên họ quyết định làm những việc đó một mình.
Nhưng không làm gì không có nghĩa Morimoto sẽ làm bất cứ điều gì theo yêu cầu của khách. Anh từng từ chối yêu cầu chuyển tủ lạnh, cùng đi tới Campuchia và bất kỳ lời đề nghị nào liên quan đến tình dục.
Tuần trước, Morimoto ngồi đối diện với Aruna Chida, một nhà phân tích dữ liệu 27 tuổi mặc áo sari (áo choàng truyền thống của phụ nữ Ấn Độ), trò chuyện về trà và bánh ngọt.
Chida muốn được mặc áo truyền thống của Ấn Độ nơi công cộng, nhưng cô lo ngại sẽ khiến bạn bè đi cùng mình xấu hổ. Vì vậy, cô chọn Morimoto làm bạn đồng hành.
"Với bạn bè, tôi cảm thấy cần phải trò chuyện để giải trí cùng họ, nhưng với 'anh chàng cho thuê' (Morimoto), tôi không cần làm thế", Chida giải thích.
Cho thuê chính mình
Trước khi tìm được nghề nghiệp cho riêng mình, Morimoto từng làm việc tại một công ty xuất bản và thường xuyên bị chỉ trích vì "không làm gì cả".
"Tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu mình cung cấp 'không làm gì' như một dịch vụ cho các khách hàng", anh nói.
Morimoto không bao giờ phán xét những vị khách của mình. Ảnh: Washiton Post. |
Morimoto lần đầu tiên cung cấp dịch vụ này vào tháng 6/2018 sau khi đăng một dòng tweet có nội dung: “Tôi tự cho thuê bản thân, với tư cách là một người không làm gì cả. Bạn cảm thấy khó khăn khi đi ăn một mình? Bạn đang thiếu một cầu thủ trong đội? Bạn có cần ai đó giữ chỗ cho mình không? Tôi không thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ những việc dễ dàng”.
Nghề đồng hành cùng người khác hiện là nguồn thu nhập duy nhất của Morimoto, nhờ nó anh chu cấp được cho vợ và con mình.
Từ chối tiết lộ số tiền mình kiếm được, nhưng anh cho biết gặp 1-2 khách hàng mỗi ngày. Trước đại dịch, con số cao gấp đôi.
Trải qua một ngày thứ 4 không làm gì đặc biệt ở thành phố Tokyo, Morimoto đã suy nghĩ về bản chất kỳ lạ công việc mình làm, nó thách thức bản chất của một xã hội coi trọng năng suất và coi thường sự vô dụng.
"Mọi người có xu hướng nghĩ rằng việc 'không làm gì' của tôi là có giá trị vì nó mang lại ý nghĩa cho người khác. Nhưng thực sự không làm gì cũng tốt. Mọi người không cần phải có ích theo một cách cụ thể nào cả", Morimoto nói.