Thời gian gần đây, vụ án nữ sinh Cao Thị Mỹ D. (21 tuổi, trú xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị sát hại khi đi giao gà vào chiều 30 Tết đã khiến dư luận cả nước rúng động. Rất nhiều thông tin không chính thức đã được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người càng thêm xôn xao.
Anh Phạm Thanh S. - nhân viên một công ty điện lực quốc doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên - cho biết cuộc sống của anh hoàn toàn đảo lộn khi bỗng dưng bị đăng tải hình ảnh cùng thông tin nói rằng anh chính là một trong 5 hung thủ của vụ án nói trên.
Anh S. cho biết: "Tôi không liên quan gì đến vụ án. Hôm đó, tôi đi làm, thấy mọi người nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ khó hiểu, sau đó tôi mới biết rằng mình bị đồn là một trong 5 hung thủ của vụ án mạng. Tôi rất hoang mang và cuộc sống bị đảo lộn vì sự việc này".
Anh S. bị người khác tung tin mình là một trong 5 hung thủ lên mạng xã hội. |
Theo anh S., người tung tin anh một trong 5 hung thủ là anh Đ. - một cán bộ làm trong cơ quan hải quan của tỉnh Điện Biên. Trao đổi với anh Đ., người người này thừa nhận mình là người đã đăng tin đồn đó.
Anh Đ. cho biết mình nghe thấy thông tin anh S. là hung thủ từ một người khác, sau đó đã không suy nghĩ mà đăng thông tin này lên mạng xã hội. Anh Đ. cũng cho biết mình đã không lường được hậu quả của hành động này, khi ý thức được hậu quả thì anh đã gỡ thông tin mình đăng tải.
Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Ngọc (Công ty luật hợp danh Thái Bình Dương, Đoàn Luật sư Nghệ An), trên góc độ pháp lý: Sự phát triển của công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội là tiến bộ của nhân loại. Mạng xã hội giúp con người xóa đi khoảng cách về địa lý, tự do chia sẻ thông tin, suy nghĩ cảm xúc của mình… nhưng đây cũng là môi trường thuận lợi để kẻ xấu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc bôi nhọ, vu khống danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.
Luật sư Nguyễn Văn Cường. |
Dạo quanh một vòng trên Facebook, điều dễ dàng nhận thấy là việc thóa mạ, vu khống nhau không chỉ xảy ra ở người có trình độ thấp, mà rất nhiều trường hợp rơi vào thành phần trí thức, những người làm trong nhiều lĩnh vực được xã hội tôn vinh.
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình….
Công dân có quyền kiện ra tòa buộc đối tượng vi phạm xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xúc phạm khi bị vu khống. Theo quy định tại điều 592 Bộ luật dân sự 2015, người bị xâm hại được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, gồm các khoản sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người bị thiệt hại còn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.
Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, không quan trọng vu khống một nhân viên bình thường hay một lãnh đạo cấp cao, chỉ cần chứng minh được người đó có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã đủ yếu tố cấu thành tội vu khống, hành vi này có thể phạt tù 1-3 năm theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.