Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ phải trói tay bệnh nhân vì lên cơn sảng rượu

Rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến tim mạch, gan và hệ tiêu hóa mà còn gây rối loạn thần kinh dẫn đến hội chứng sảng rượu.

BSCKII Nguyễn Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhân Trương Văn Chơn (60 tuổi, quê Đồng Tháp). Theo bác sĩ Phương, ông Chơn nhập viện điều trị hội chứng cai rượu hay còn gọi là sảng rượu.

Nhập viện vì uống rượu thay cơm

Người nhà bệnh nhân cho biết sau một đêm nhậu đến 5h sáng, ông Chơn trở về nhà trong tình trạng say lè nhè, đau bụng liên tục, lơ mơ nên gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau 3 ngày tình trạng không thuyên giảm, ông Chơn được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo vợ bệnh nhân, mỗi ngày người đàn ông này uống khoảng 1,5 lít rượu trắng. Có những ngày, ông chỉ uống rượu mà không ăn cơm. Mỗi khi rảnh, ông lại tụ tập bạn bè bày biện mâm nhậu, bỏ ngoài tai lời khuyên răn của gia đình.

Hơn một tuần nằm tại bệnh viện, ông Chơn bắt đầu có dấu hiệu nói chuyện bâng quơ như mê sảng, ảo giác. Khi tỉnh táo, ông có thể nhận biết người quen. Ngay sau đó, người đàn ông lại quay sang hướng khác và nói: “Uống 100% nha anh sui ơi, không say không về”. Vừa nói người đàn ông 60 tuổi vừa giơ tay về phía trước, chụm lại như đang cầm ly rượu trong bàn nhậu.

“Lúc trước ông ấy có nhậu nhiều, nhưng vài năm gần đây thì uống rượu như bị nghiện, ngày nào cũng uống, tôi muốn cản cũng không được. Nhập viện ở đây, bác sĩ bảo ông ấy bị hội chứng tâm thần do rượu, gia đình tôi rất lo lắng”, vợ ông Chơn nói.

Bác sĩ Phương cho biết bệnh nhân uống rượu nhiều lại kèm theo viêm tủy cấp. Đối với bệnh lý này, trường hợp nặng có thể bị tụt huyết áp, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu nhận biết người sảng rượu

Theo bác sĩ Phương, nhiều bệnh nhân khi nhập viện điều trị hội chứng này đều hứa sẽ bỏ rượu như ông Chơn. Tuy nhiên, khi về nhà, họ lại bắt đầu tụ tập bạn bè và uống rượu trở lại. Một thời gian sau, bệnh lại tái phát.

nguoi dan ong mac chung sang ruou anh 1
Bệnh nhân sảng rượu thường kích động, la hét nên phải cố định tay chân vào giường. Ảnh: Quỳnh Trang.

BSCKII Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sảng rượu là hội chứng rối loạn tâm thần do nồng độ rượu quá cao. Khi uống nhiều, rượu bia trở thành một thành phần trong máu. Do đó, khi thiếu rượu lâu ngày, bệnh nhân sẽ lên cơn nghiện và từ đó dẫn đến sảng rượu.

Khi bệnh nhân sảng rượu nhập viện, các bác sĩ phải cố định tay chân họ vào giường. Họ thường la hét, có thể dùng dao hăm dọa người khác hoặc bỏ trốn. Một số trường hợp bị ảo giác và nghĩ mình đang trên bàn nhậu. Thậm chí, bệnh nhân còn sợ hãi, chửi bới vì cho rằng có người muốn đánh đập, làm hại họ.

“Những bệnh nhân này không tự chủ được ngôn ngữ, hành vi khiến người thân rất mệt mỏi. Dịp cao điểm, khoa Gan Mật Tụy tiếp nhận điều trị cho hơn 3 trường hợp nhập viện có biểu hiện sảng rượu", bác sĩ Mỹ nói.

Hội chứng sảng rượu có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn, họ sẽ mắc các bệnh lý như viêm gan, xơ gan và ung thư gan. 

Cùng chia sẻ khi điều trị cho bệnh nhân sảng rượu, TS.BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, cho biết trong giai đoạn điều trị, nhiều bệnh nhân la hét quá nhiều. Các nhân viên y tế thường thu âm lại tiếng, đợi khi tỉnh táo cho  bệnh nhân xem lại để thấy rượu bia nguy hại đến mức nào.

“Một số bệnh nhân sảng rượu còn hành hung cả nhân viên y tế. Tuy nhiên, là bác sĩ, chúng tôi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ điều trị, giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật”, bác sĩ Công chia sẻ.

Tại sao bạn không nên uống rượu bia khi đói? Khi dạ dày trống rỗng, lượng cồn trong rượu sẽ ngấm vào cơ thể nhanh hơn, gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.

Uống 2 chai rượu mỗi ngày, chàng trai chết thảm ở tuổi 26

Bác sĩ cố gắng cảnh báo không được nạp thêm chất cồn vào cơ thể, bệnh nhân vẫn bí mật uống rượu mỗi ngày.



Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm