Alex Jones, sống ở Anh "sống chung" với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức 28 năm qua. Người đàn ông này luôn luôn nghĩ và lo sợ bản thân đang làm hại người khác. Căn bệnh này khiến Alex tưởng tượng cán qua người nào đó khi đang ngồi trong ôtô, tông xe vào người lạ hoặc rửa tay mỗi ngày 50 lần đến mức da bàn tay đỏ ửng.
Theo Alex, anh đã trải qua những suy nghĩ ám ảnh kể từ khi còn là một cậu bé. "Tôi đã ở trong tình trạng lo lắng triền miên, tinh thần bị kiệt quệ. Tôi thử nhiều liệu pháp chữa trị nhưng không thành công, và nghĩ sẽ mắc phải chứng bệnh này suốt quãng đời còn lại", người đàn ông 48 tuổi tâm sự.
Alex Jones đã được chữa trị sau 28 năm sống khổ sở với căn bệnh rắc rối. Ảnh: Daily Mail. |
Từ năm 18 tuổi, Alex bắt đầu bị đau đầu, ám ảnh việc rửa tay 50 lần/ngày. Khi học Đại học, căn bệnh nặng thêm, người đàn ông này bắt đầu lo lắng sẽ làm hại đến mọi người.
Khi cuộc suy thoái kinh tế xảy ra năm 2008, Alex thất nghiệp 8 tháng. Người đàn ông này chia sẻ: "Căn bệnh này của tôi nặng hơn do căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. Tôi đã uống thuốc, ban đầu có hiệu quả, về lâu dài có tác dụng rất ít".
Năm 2012, anh được điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức, còn gọi là liệu pháp trò chuyện, giúp người bệnh giải quyết vấn đề bằng cách thay đổi cách suy nghĩ và hành xử nhưng không hiệu quả.
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là rối loạn tâm thần phổ biến, với 3,3 triệu người mắc phải ở Mỹ và 750.000 người mắc ở Anh.
Người bệnh không chỉ rửa tay nhiều lần mà sợ kẻ trộm vào nhà ăn cắp đồ đạc, khiến họ kiểm tra tất cả cửa sổ, cửa ra vào đã khóa nhiều lần trước khi ra khỏi nhà. Ngoài ra, họ còn muốn mọi thứ hài hòa và đối xứng hoặc đếm, gõ lặp đi lặp lại một số từ nhiều lần...
Tháng 7, người đàn ông này đến một phòng khám ở London để chữa trị chứng bệnh này. "Khi ra khỏi phòng khám sau buổi trị liệu 30 phút, tôi cảm giác như không còn những suy nghĩ ám ảnh", Alex chia sẻ.
Alex đã được bác sĩ áp dụng phương pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS) để chữa trị. Phương pháp này dùng các xung năng lượng từ, kích thích hoặc hoăc làm giảm tác động của các vùng não gây nên rối loạn ám ảnh cưỡng bức.
Sau đó 3 tháng, bệnh nhân này bị tái phát nhẹ. "Có một số suy nghĩ của căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức quay lại nhưng không nặng. Tôi đã đến phòng khám vài lần và khỏe lại", Alex chia sẻ.