Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông sống 72 năm với ‘lá phổi sắt’

Paul Alexander bị bại liệt và phải sống trong máy thở từ năm 6 tuổi, nhưng ông vẫn có thể lấy bằng đại học luật, viết sách trong những năm cuối đời.

Paul Alexander qua đời ở tuổi 78. Ảnh: Theo New York Times.

Theo anh trai Philip Alexander, Paul Alexander - người đã sống hơn 70 năm trong một lá phổi sắt - đã qua đời hôm 11/3 ở 78 tuổi.

Sự ra đi của Paul được thông báo hôm 12/3 trên trang GoFundMe được thành lập để giúp trả tiền nhà và chăm sóc sức khỏe cho ông.

"Thật khó tin khi đọc tất cả bình luận và biết rằng rất nhiều người đã được Paul truyền cảm hứng. Tôi rất biết ơn", ông Philip nói trên trang GoFundMe.

Nguyên nhân chính xác về cái chết của ông Paul vẫn chưa được công bố. "Paul, bạn sẽ luôn được nhớ đến. Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi", Christopher Ulmer, người tổ chức chương trình gây quỹ GoFundMe, cho biết trên trang này.

Căn bệnh quái ác

Paul phát bệnh bại liệt vào mùa hè năm 1952, khi mới 6 tuổi. Đó là thời kỳ đỉnh điểm của bệnh bại liệt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hơn 21.000 trường hợp bại liệt được ghi nhận vào năm đó tại nước này. Ngày nay, bệnh bại liệt được coi là đã được loại trừ ở Mỹ nhờ vaccine được phát triển vào cuối những năm 1950.

Căn bệnh khiến Paul bị liệt từ cổ trở xuống và không thể tự thở được. Theo cuốn tự truyện của Paul, ông được đặt trong lá phổi sắt, một ống trụ kim loại lớn có thể thay đổi áp suất không khí để kích thích hô hấp.

la phoi sat anh 1

Paul Alexander trở thành luật sư, tác giả, TikToker được yêu mến. Ảnh: Telegraph.

Thiết bị này ban đầu được Louis Agassiz Shaw và Philip Drinker phát triển để hỗ trợ các nạn nhân bị ngộ độc khí than vào những năm 1920, nhưng sau đó được biết đến rộng rãi như phương pháp điều trị cho những người mắc bệnh bại liệt, đặc biệt là trong các đợt bùng phát hàng loạt vào những năm 1940 và 1950. Phổi sắt hiện được thay thế bằng máy thở hiện đại có ống xuyên qua cổ nên gần như chỉ còn tìm thấy trong viện bảo tàng.

Doris Alexander, mẹ của Paul, nói trong cuốn tự truyện: "Các bác sĩ nói với chúng tôi rằng Paul không thể sống được. Có vài lần mất điện nên phải bơm phổi bằng tay. Hàng xóm sẽ chạy đến giúp chúng tôi".

Ông Paul đã trải qua 7 thập kỷ tiếp theo trong thiết bị này. Tháng 3/2023, ông được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là bệnh nhân phổi sắt sống sót lâu nhất trên thế giới.

Nghị lực sống

Tình trạng bệnh tật không thể giới hạn khát vọng của Paul. Ông đã học được các kỹ thuật thở cho phép bản thân rời khỏi lá phổi sắt trong vài giờ/lần. Ông tốt nghiệp đại học, lấy bằng luật và tiếp tục hành nghề luật sư tại phòng xử án trong 30 năm.

Ông cũng tự xuất bản cuốn tự truyện truyền cảm hứng và nghị lực sống Three Minutes for a Dog: My Life in an Iron Lung.

Năm 2022, Paul nói với CNN rằng đang thực hiện cuốn sách thứ hai. Ông đã trình diễn quá trình viết sách của mình bằng cách sử dụng một cây bút gắn vào thanh nhựa ngậm trong miệng để gõ lên bàn phím máy tính.

la phoi sat anh 2

Người chăm sóc Kathy Gaines cạo râu cho Paul tại nhà của ông ở Texas vào năm 2019. Ảnh: Allison V. Smith.

"Tôi có một vài giấc mơ lớn, không chấp nhận những hạn chế. Cuộc sống của tôi thật đáng kinh ngạc", ông nói.

Vào tháng 1, Paul đã lập tài khoản TikTok tên “Polio Paul”, nơi ông thuật lại những thành tựu trong cuộc sống của mình và trả lời các câu hỏi về cuộc sống trong lá phổi sắt như “Bạn đi vệ sinh bằng cách nào?” và “Làm thế nào để bạn luôn lạc quan như vậy?”.

Tại thời điểm qua đời, ông có 300.000 người theo dõi và hơn 4,5 triệu lượt thích.

Paul cũng là người ủng hộ việc tiêm phòng bệnh bại liệt. Trong video TikTok đầu tiên của mình, ông nói: "Hàng triệu trẻ em không được bảo vệ khỏi bệnh bại liệt. Mọi người phải được tiêm phòng trước khi có một trận dịch khác".

Vào những ngày cuối đời, dù bị bệnh tật hành hạ, Paul vẫn giữ được niềm đam mê sống khiến mọi người phải kinh ngạc. "Tôi muốn hoàn thành những điều mà người ta bảo rằng tôi không thể hoàn thành và đạt được những ước mơ mà tôi hằng ấp ủ. Câu chuyện của tôi chứng minh rằng quá khứ không quyết định tương lai của bạn", ông nói.

Câu trả lời gây bất ngờ của người cao tuổi nhất thế giới

Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, cụ bà Maria Branyas chỉ lắc đầu và nói: "Tôi chẳng làm điều gì đặc biệt để sống được đến độ tuổi này".

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm