Vụ việc được đề cập trong bài báo công bố trên tạp chí y khoa New England ngày 31/3. Theo Guardian, các chuyên gia nhận định đây là bằng chứng bổ sung cho luận điểm virus Ebola có thể ẩn náu rất lâu trong cơ thể sau khi người mắc khỏi bệnh. Vì vậy, người sống sót cần được theo dõi để bảo về sức khỏe và ngăn ngừa lây nhiễm trong thời gian dài.
Người đàn ông (không tiết lộ danh tính) 25 tuổi là cư dân tại Cộng hòa Dân chủ Congo, tái phát Ebola dù đã được tiêm vaccine phòng ngừa. Trường hợp này đã dẫn tới 91 ca mắc mới.
Anh mắc Ebola lần đầu vào tháng 12/2018. Anh xuất viện sau 2 lần xét nghiệm âm tính với Ebola. Tháng 11/2019, bệnh nhân xuất hiện lại các triệu chứng và được chẩn đoán tái mắc Ebola.
Virus có thể tồn tại trong tinh dịch tới hơn một năm, vì vậy, nam giới được khuyến cáo nên kiểm tra định kỳ dù đã khỏi bệnh. Tháng 8/2019, người đàn ông 25 tuổi đã xét nghiệm tinh dịch và cho kết quả âm tính, tuy nhiên, anh không quay lại kiểm tra định kỳ.
Nhân viên y tế tại Beni, Cộng hòa Dân chủ Congo, chuẩn bị trước khi tiếp xúc các ổ dịch Ebola trong đợt bùng phát năm 2019. Ảnh: Al-hadji Kudra Maliro/AP. |
Ca tái mắc được đánh giá là rất hiếm và lần đầu tiên lây nhiễm cho nhiều người khác như vậy. Theo ABC News, tiến sĩ Placide Mbala-Kingebeni, Đại học Kinshasha, Congo, người tham gia nghiên cứu về ca tái mắc này, cảnh báo tình trạng bất kể ai cũng có thể tái mắc Ebola, thậm chí lần thứ 2 sẽ nặng hơn. “Ngày càng nhiều đợt bùng phát Ebola, chúng ta có nhiều bệnh nhân sống sót và nguy cơ tái phát càng cao”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhà virus học Michael Wiley, Trung tâm Y tế Nebraska, Congo, cho biết khả năng miễn dịch của người này mất đi sau 6 tháng hoặc trường hợp tệ hơn, anh ta chưa từng có miễn dịch với căn bệnh này.
Các xét nghiệm gene phát hiện chủng virus Ebola gây bệnh cho người này gần giống 100% với chủng mà anh ta nhiễm trong lần đầu tiên. Sau khi tái mắc, nam bệnh nhân lây nhiễm cho 29 người khác và tạo thành chùm dịch lên tới 91 trường hợp liên quan.
Đây không phải lần đầu tiên thế giới ghi nhận người tái mắc Ebola. Đầu tháng 3, các nhà khoa học đã ghi nhận virus Ebola âm thầm sống trong cơ thể một bệnh nhân tới 5 năm, sau đó, nó lây nhiễm cho người khác. Đây là thời gian lâu nhất virus ẩn náu trong cơ thể mà y văn thế giới từng ghi nhận.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, Mỹ, người không tham gia cuộc nghiên cứu, nhận định: “Đây là điều rất đáng kinh ngạc, một hiện tượng phi thường”.
Con người lây nhiễm virus Ebola từ động vật hoang dã, sau đó, nó lây từ người sang người. Triệu chứng khi nhiễm Ebola có thể gồm sốt đột ngột, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban và xuất huyết. Tỷ lệ tử vong của bệnh từ 25% đến 90%.
Một số loại khác có thể ẩn náu trong thời gian dài. Điển hình là virus thủy đậu, có thể gây zona sau hàng thập kỷ người bệnh nhiễm lần đầu. Việc Ebola tồn tại lâu trên cơ thể người khỏi bệnh khiến các chuyên gia y tế hàng đầu lo ngại.