Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông Trung Quốc dự 23 đám cưới trong 1 tuần

Việc bạn bè, người thân lần lượt tổ chức đám cưới trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh khiến Lei (Trung Quốc) phải xoay xở tiền mừng lẫn sắp xếp thời gian đến dự.

Người đàn ông tên Lei (Quý Châu, Trung Quốc) dự liên tiếp 23 đám cưới trong vòng 1 tuần, tính từ 1/10 đến 8/10, theo Newsweek.

Trong lúc nhiều người dân tận hưởng kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài 1 tuần tại Trung Quốc, ông Lei lại phải tính toán, phân chia thời gian để có mặt tại tất cả đám cưới của bạn bè, người thân.

Ngoài Tết Âm lịch, dịp Quốc khánh 1/10 là thời điểm nhiều đôi uyên ương tại Trung Quốc tranh thủ tổ chức hôn sự bởi thời gian nghỉ lễ dài. Ngoài ra, đây cũng được coi là dịp may mắn, thích hợp để nên vợ nên chồng.

du 23 dam cuoi trong 1 tuan anh 1

Danh sách liệt kê các đám cưới cần dự, số tiền phải bỏ ra của người đàn ông tên Lei. Ảnh: Guiyang Daily.

Từng là khách mời của nhiều lễ cưới trong kỳ nghỉ này, song đây là lần đầu tiên số lượng buổi lễ ông Lei phải tham dự đông đến vậy.

Có thói quen ghi chép kế hoạch, lịch trình vào sổ tay, Lei nhận ra lần này số tiền mừng cưới cho các đôi cộng với tiền sinh hoạt đã vượt qua lương hàng tháng của mình.

Tại Trung Quốc, quà cưới truyền thống mừng hạnh phúc các đôi chủ yếu là tiền mặt đặt trong phong bao màu đỏ. Tại quê nhà Tất Tiết, thị trấn thuộc tỉnh Quý Châu của ông, mức thấp nhất cho tiền mừng rơi vào khoảng 100 NDT (14 USD).

Con số đã được coi là thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Tuy nhiên, với tổng cộng 23 đám cưới, tùy vào mức độ quen biết, số tiền ông Lei phải bỏ ra là 4.800 NDT (707 USD).

“Danh sách này vẫn chưa đủ đâu. Những đứa trẻ trong đại gia đình tôi đều đã đến tuổi lập gia đình và tổ chức đám cưới vào dịp này. Tôi chưa thể kiểm kê hết tổng số tiền bỏ ra”, ông nói với truyền thông địa phương.

du 23 dam cuoi trong 1 tuan anh 2

Tại Trung Quốc, dù muốn hay không, việc khách mời tặng một số tiền nhất định khi đi dự đám cưới đã trở thành mặc định. Ảnh: Thoughtco.

Vì bận rộn dự hết đám này đến đám khác, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, gia đình ông Lei không thể đi chơi ở đâu, cũng hiếm khi có thời gian ở nhà.

“Chúng tôi mua hàng tạp hóa từ cuối tháng 9. Đến khi hết lễ, chúng vẫn còn nguyên”, ông kể.

Theo China News, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ở Trung Quốc là thời gian các đám cưới nở rộ. Năm nay, số lượng người tổ chức hiếu hỷ càng tăng mạnh bởi vì nhiều người buộc phải hoãn lại kế hoạch cưới do tác động của dịch Covid-19. Do đó, các lễ cưới đáng nhẽ cử hành từ tháng 5-6 bị dồn về cuối năm.

Tại nhiều nước châu Á, mừng đám cưới bằng tiền mặt từ lâu đã trở thành truyền thống. Theo quan niệm của người Trung Quốc, tiền mừng là hình thức chia sẻ tài chính với gia chủ, đồng thời là cách duy trì mối quan hệ xã hội.

Song, việc mừng cưới đôi khi trở thành áp lực tài chính, khiến nhiều người chật vật tìm cách xoay xở vì số tiền bỏ ra cho mỗi lần hiếu hỷ không hề nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết vẫn đưa một lượng tiền mặt đáng kể để tránh mất thể diện.

Việc tặng 500-800 NDT cho đồng nghiệp hoặc bạn bè là chuyện bình thường. Nếu thân thiết hơn, số tiền nên ít nhất là 1.000 NDT. Suy nghĩ này vẫn tồn tại bất chấp thực tế thu nhập, gia cảnh mỗi người khác nhau, theo Sixth Tone.

Cuộc đua hàng hiệu cho con cái của giới nhà giàu

Giới nhà giàu không ngần ngại vung tay sắm cho con quần áo, túi xách hàng hiệu từ lúc chúng mới 1-2 tuổi. Đứa trẻ được coi là minh chứng cho đẳng cấp của bố mẹ.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm