Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông từng 'chết đi sống lại' vì mắc viêm tụy cấp

"Anh đang ở mức độ nặng nhất. Tiên lượng sống chỉ 20%”, - đó là thông báo ngắn gọn của bác sĩ khi Tuấn nhập viện và cũng là lần đầu tiên anh nghe tới căn bệnh viêm tụy cấp.

Liên quan đến sự việc Bệnh viện Chợ Rẫy bị tố tắc trách trong việc để nam bệnh nhân 19 tuổi tử vong vì viêm tụy cấp, Zing.vn nhận được nhiều chia sẻ của độc giả về căn bệnh, trong đó có câu chuyện của một nam bệnh nhân từng đối mặt với tử thần vì viêm tụy cấp

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội):

Tôi chưa từng nghĩ bệnh mình nặng như thế

Năm nay tôi 30 tuổi, sau 4 năm kể từ ca cấp cứu, gia đình vẫn bạn bè của tôi vẫn cho rằng tôi là một người may mắn khi có thể sống sót.

Cách đây 4 năm, lúc tôi 26 tuổi, tôi là một kỹ sư công trình với những chuyến công tác xa nhà. Thời điểm đó, tôi thường xuyên bị đau bụng dữ dội, dù ngưỡng chịu đau của tôi rất tốt, nhất là vào thời điểm sau khi uống bia rượu. Suốt mấy tháng trước khi tôi nhập viện, tôi thường xuyên bị đau, tuy nhiên cơn đau đôi khi kéo dài qua đêm rồi khỏi. Có thời điểm, tôi phải bắt xe mấy trăm cây số để đến bệnh viện địa phương nơi tôi làm để khám bệnh, nhưng các bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân.

Sau đó, tôi quyết định về Hà Nội để khám bệnh. Tại Bệnh viện Quân y 103, các bác sĩ nghi ngờ tôi mắc dạ dày nên cho tiến hành nội soi dạ dày. Kết quả, dạ dày tôi ổn. Sau đó, tôi cũng được làm siêu âm, rồi nội soi đại trực tràng. Tất cả kết quả đều bình thường.

Cho đến hôm ấy, sau khi đi đám cưới một người bạn, tôi rơi vào một cơn đau khủng khiếp nhất từ trước tới giờ. Cơn đau của tôi lúc ấy nằm ở vùng thượng vị, lan xuống quanh rốn và sườn trái. Đau, buốt, rất khó chịu. Tôi không thể ngủ suốt cả ngày và đêm hôm đó, thậm chí tôi không thể nằm hay đổi tư thế. Tôi cố chịu cơn đau bởi lần khám trước khá gần đều cho kết quả bình thường. Đến sáng ngày hôm sau, cơn đau vẫn không hề giảm, tôi quyết định nhờ bạn đưa tới Bệnh viện Đại học Y, Hà Nội. Lúc này, tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

Tại phòng Cấp cứu, ngay lập tức tôi được chỉ định chụp CT vùng bụng. Đến trưa, với kết quả trên tay, bác sĩ gọi tất cả người nhà đi cùng tôi vào để cùng thông báo. “Anh Tuấn bị viêm tụy cấp rất nặng. Bệnh có 5 cấp độ A-B-C-D-E, thì anh đang ở mức độ nặng nhất. Tiên lượng sống chỉ 20%”, bác sĩ thông báo ngắn gọn. Đó là lần đầu tiên tôi nghe tới căn bệnh. Còn gia đình và bạn bè tôi rất sốc với chỉ số sống còn bác sĩ đưa ra.

Ngay lập tức, tôi được đưa vào phòng Hồi sức tích cực của bệnh viện. Cơn đau khiến tôi mê mệt. Tôi không nhớ nổi bác sĩ đã đưa bao nhiêu dây, máy móc vào người tôi, chỉ nhớ rằng lúc đó, sự sống của tôi đều dựa vào máy móc hỗ trợ.

Suốt những ngày sau đó, tôi nằm điều trị tại phòng được xem là nặng nhất của bệnh viện. Đó là phòng cách ly, vô trùng tuyệt đối, người nhà chỉ được phép vào thăm một người duy nhất với quần áo bảo hộ. Tôi được truyền tĩnh mạch các loại thuốc, dịch nuôi cơ thể, tiêm thuốc, thông tiểu tiện bằng một sợi dây ra ngoài, không ăn không uống.

Trên giường bệnh tôi vẫn tỉnh táo nhưng cơn đau giảm rất chậm khiến tôi mê mệt, đau thậm chí không thể ngủ, cũng không thể nói ra lời.

Mac viem tuy cap nguy hiem ra sao anh 1
"Tôi không nhớ nổi bác sĩ đã đưa bao nhiêu dây, máy móc vào người tôi". Ảnh: NVCC.

Sau này tôi mới biết tình thế của mình lúc đó rất nguy cấp. Dù các bác sĩ đã hết sức nhiệt tình với phác đồ điều trị chuẩn nhất, bản thân họ cũng không thể khẳng định việc tôi có qua khỏi hay không. Mỗi lần được hỏi, bác sĩ đều giải thích bệnh tiến triển rất phức tạp, không thể nói trước, tất cả phụ thuộc vào mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

Anh trai tôi, vốn là một công an kiên cường đã khóc khi nhìn em trai trên giường bệnh. Lần lượt bố mẹ, anh chị em, họ hàng từ trong quê vội vàng ra Hà Nội để gặp tôi như thể tôi sắp đi xa. Nhìn dáng vẻ chỉ còn da bọc xương của tôi trên giường bệnh với đủ loại máy móc, ai cũng rơi nước mắt.

Những ngày ấy, bác sĩ luôn canh chừng nếu tôi bị diễn tiến nặng hơn như hoại tử, xuất huyết, biện pháp nặng hơn sẽ được áp dụng là lọc máu và phẫu thuật thay vì chỉ điều trị nội khoa như hiện tại. Khi đó, việc cứu được tôi càng trở nên mong manh.

Sau hơn một tuần, may mắn tình trạng xấu hơn đã không xảy ra. Bác sĩ thông báo với người nhà tin vui và không kèm chúc mừng bởi họ bảo rất nhiều ca viêm tụy cấp như tôi đã chết. May mắn vì tôi đã đáp ứng thuốc tốt nhất. Tôi được tháo máy và các dây thông, chuyển khỏi phòng hồi sức tích cực lên khoa bệnh để điều trị tiếp một tuần trước khi ra viện. Trước khi đi, bác sĩ nói với mẹ tôi rằng: “Về nhà bác phải liên hoan to, bởi phúc nhà bác quá lớn khi con bác vẫn còn sống”.

Rượu bia là thủ phạm số một

Tôi chia sẻ câu chuyện này là muốn những đàn ông như tôi sớm bỏ rượu bia. Bởi đây chính là nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh. Trước đây, do đặc trưng công việc, tôi thường xuyên uống, hầu như tất cả ngày trong tuần tôi đều uống với số lượng rất nhiều. Do chủ quan vào tửu lượng của mình nên tôi đã sớm mắc bệnh. Bác sĩ nói càng trẻ mắc bệnh quá trình điều trị càng khó khăn hơn.

Tôi từng từ cửa tử trở về, hơn ai hết, tôi hiểu sự đau đớn của căn bệnh và nguy hiểm của nó. May mắn của tôi là được cấp cứu ở bệnh viện lớn nên mới có thể sống sót. Nếu những người khác, không được phát hiện bệnh sớm và điều trị ở những bệnh viện không đủ cơ sở vật chất, chắc chắn là sẽ chết. Sau này, tôi mới biết rất nhiều người đã chết vì căn bệnh này. Hơn hết, việc điều trị rất tốn kém, trong khi tiên lượng khó nói.

Viêm tụy cấp rất nguy hiểm nhưng hiện rất ít người biết về căn bệnh này. Việc phát hiện ra bệnh cũng không đơn giản. Do đó, để tránh rơi vào tình trạng nặng như tôi, bỏ bia rượu là một trong những biện pháp hàng đầu các nam giới cần thực hiện ngay.

Viêm tụy cấp nguy hiểm thế nào?

Viêm tụy cấp là căn bệnh khiến nam bệnh nhân 20 tuổi tử vong trong câu chuyện người nhà tố bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tắc trách mới đây.


Độc giả Nguyễn Văn Tuấn

Bạn có thể quan tâm