Mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ khiến xã Bình Tú (Quảng Nam) ngập trong nước. Hàng chục người dân đang tất bật xếp dọn đồ đạc "chạy lũ".
Xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) là một trong những địa phương thấp trũng. Mỗi mùa lũ về, nước vào ngập nhà, người dân ở đây lại phải thu dọn đồ đạc, tài sản có giá trị lên những điểm cao để tránh hư hại.
Cơn mưa lớn vào sáng 21/11 khiến mực mước dâng cao, nhiều tuyến đường liên thôn ở xã Bình Tú rơi vào cảnh ngập sâu gần cả mét. "Chúng tôi phải tích trữ lương thực cho nhiều ngày tiếp theo, đề phòng nước lũ rút chậm. Ở đây năm nào cũng bị nước lũ bủa vây", bà Nga (trú thôn 5) chia sẻ.
Đợt lũ gần đây nhất, căn nhà của ông Trần Ngọc Phú (thôn 7, xã Bình Tú) nước ngập hơn 1 mét. "Rút kinh nghiệm đợt lũ vừa rồi, gia đình tôi đã vận chuyển hết số thóc, gạo lên gác cao. Những tài sản khác thì gia cố lại để tránh trôi theo lũ", ông Phú nói.
Lũ về khiến việc di chuyển của người dân gặp không ít khó khăn. Nhiều phụ huynh phải cõng con nhỏ đi qua điểm ngập sâu để tránh nguy hiểm.
Để ngăn rác thải theo dòng nước trôi vào nhà, nhiều nhà dân đã dùng bao cát chắn trước cửa nhà. "Nước ở đây lên nhanh nhưng thoát rất chậm. Điều làm chúng tôi lo lắng là thiếu nước sạch và lương thực trong mùa lũ", anh Trần Ngọc Thảo (trú thôn 7, xã Bình Tú) lo lắng.
Nước lũ đang làm nhiều nhà dân bị "cô lập". Trong ảnh là cậu bé Nguyễn Hoàng Nga (13 tuổi) đang lội trong dòng nước ngập quá rốn để quay trở về nhà sau khi ghé thăm nhà người thân.
Nước mấp mé lên cửa sổ của nhà một hộ dân ở xã Bình Tú trong sáng 21/11 khiến nhiều em nhỏ đành "chôn chân" ngồi nhìn.
Theo số liệu cập nhật vào lúc 13h ngày 21/11, có 3 thủy điện ở Quảng Nam đang xả lũ xuống sông Vu Gia và Thu Bồn. Cụ thể, thủy điện A Vương xả với lưu lượng hơn 350 m3/s; thủy điện Đắk Mi 4 xả với lưu lượng hơn 250 m3/s và thủy điện Sông Tranh 2 gần 550 m3/s.
Bà Trần Thị Nga rời nhà đi chợ từ sáng sớm để mua thức ăn, nhu yếu phẩm cho người thân dùng trong những ngày nước lên.
Nước đã vào tận giường của cụ ông Trần Vĩnh Liễn (xã Bình Tú). Người đàn ông này giờ đây chỉ biết ngồi ngóng tin lũ rút khi nhiều tài sản đã bị nước nhấn chìm.
Trước đó, nước lũ cũng làm nhiều vùng ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Nông Sơn bị chia cắt. Nhà chức trách đã phải tổ chức di dời hơn 500 hộ dân ở huyện miền núi Bắc Trà My đến nơi an toàn nhằm tránh nguy cơ sạt lở.
Xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), nơi được xem là một trong những điểm ngập sâu mỗi khi lũ về. Ảnh: Google Maps.