Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 20/10. Ảnh: Thuận Thắng. |
Sáng 20/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ đại biểu Quốc hội gặp gỡ cử tri quận 2, đối thoại về vấn đề dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) sau khi có kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP).
Đây là lần thứ 3 Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gặp bà con Thủ Thiêm. Trước đó, ngày 16/7, ông đến chung cư Bình Khánh và khu tạm cư của bà con Thủ Thiêm để thăm hỏi người dân.
Mỗi cuộc gặp đều kéo dài vài giờ đồng hồ, nhưng nhiều người vẫn chưa được trực tiếp trình bày nguyện vọng. Những người dân hơn 20 năm khiếu kiện đất đai vẫn luôn mong ngóng, kỳ vọng mỗi lần nghe tin có Bí thư đến.
Hy vọng lần gặp này sẽ giải quyết dứt điểm
Chiều 15/10, chúng tôi đến nhà của bà Lê Thị The (75 tuổi). Khác với những lần trước, căn nhà hôm nay có thêm sự hiện diện của những gương mặt mới. Họ là những người nhiều năm trước không chịu đựng được cưỡng chế mà buộc phải chấp nhận giá đền bù rẻ mạt, rời nhà đi nơi khác sống. Có người vẫn bám trụ, quanh quẩn quận 2, có người chuyển xuống quận 9, người ra tới huyện Nhà Bè.
"Sau khi đọc thông tin về kết quả kiểm tra của TTCP, chúng tôi quyết định quay trở về để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình", người phụ nữ tên Lan nói khi tay đang sắp xếp lại hồ sơ đất đai.
Bà Lan cho biết ngày đó người dân như bà không một ai muốn đi, nhưng hàng xóm xung quanh không chịu được cưỡng chế nên dần bỏ đi, để lại vài hộ trong đó có gia đình bà. Bốn bề nước ngập, cỏ cây um tùm, không thể sinh hoạt được nên hộ của bà cũng dìu dắt nhau đi.
"Đó là vì bị ép buộc nên tôi mới phải đi. Từ người có nhà mà phải đi mướn nhà để sống, ngay đến bây giờ tôi vẫn ở nhà thuê. Chính quyền nói lấy đất để xây dựng công trình này công trình nọ nhưng sau thời gian quay lại, tôi chỉ thấy phân lô để bán nền chứ nào có công trình gì đâu", bà Lan bức xúc.
Ở mỗi cuộc gặp, người dân đều mang theo bản đồ, hồ sơ pháp lý đến để được nói về việc đất mình bị thu hồi sai pháp luật. Ảnh: Lê Quân. |
Ngồi cạnh bà Lan, bà Lâm Thu Hà (phường An Khánh) cứ thi thoảng lại chen vào: "Dân khổ lắm rồi".
Bà Hà kể bản thân bà cũng như nhiều hộ dân khác, trải qua 3 lần hiệp thương với chính quyền nhưng không ai chịu đi. Nhưng cứ phải chịu đựng cảnh ngập lụt, hoang vắng nên đành ngậm đắng nhận tiền đền bù rẻ mạt, chuyển đi.
"Lúc đi thì bà con còn chút tiền để ăn. Thời gian lâu quá, bây giờ con cái lớn học hành nên ai cũng hết tiền, nghèo đói. Tôi chỉ mong lãnh đạo giải quyết sao hợp lý cho dân chứ đừng eo hẹp cho dân quá mà tội nghiệp", bà Hà bày tỏ.
Lần này mới trở về đòi quyền lợi, thế nhưng những người như bà Lan, bà Hà đều có mặt trong các cuộc tiếp xúc trước đó, họ ngồi lặng im. Họ đều phấn khởi những lần Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đến gặp bà con.
"Bác Nhân đã thấy nỗi khổ của dân thì mong lần này bác làm sao để giúp đỡ người dân. Thật tâm mà nói chúng tôi không cần lời xin lỗi của TP mà chỉ muốn TP có phương án giải quyết, đừng hẹn hay hứa nữa. Dân chúng tôi chờ đợi mòn mỏi lắm rồi", bà Lan nghẹn giọng.
4,3 ha là khu vực nào?
Trong kết quả kiểm tra của TTCP có khẳng định 4,3 ha khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với phần diện tích 4,3 ha này là chưa đủ cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, vị trí 4,3 ha này đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng khu 4,3 ha hiện chỉ còn 9 hộ dân. Do đó, những người như ông Lê Văn Lung (khẳng định hộ của ông thuộc 4,3 ha khu phố 1, phường Bình An) lo lắng cho số phận hơn 100 hộ khác cũng thuộc khu phố 1 nhưng ngoài diện tích đó.
Trong số mấy trăm hộ chấp nhận đền bù rời đi, nay quay về có ông Nguyễn Văn Thạch (phường Bình An) khẳng định mình là một trong số ít người có đầy đủ cơ sở pháp lý để xác định ranh khu 4,3 ha.
Ông Nguyễn Văn Thạch trào nước mắt tại buổi gặp với lãnh đạo TP.HCM sáng 18/10. Ảnh: Lê Quân. |
Chúng tôi đến nhà ông Thạch khi ông cùng 6 người nữa đang họp bàn, tiếp nhận hồ sơ của bà con gửi tới. Theo ông Thạch, ông là người sống ở Thủ Thiêm lâu đời nên ông khẳng định cả khu phố 1, phường Bình An, đều thuộc khu 4,3 ha. Khu này gồm 664 hộ chứ không riêng 9 hộ.
"Chúng tôi kiến nghị thu hồi toàn bộ các quyết định cưỡng chế, đo vẽ, tháo dỡ, giải tỏa đất vi phạm pháp luật đã ban hành ở phạm vi 4,3 ha gồm 36 dãy cư xá. Thủ tục pháp lý không đúng thì dân khu phố 1 sẽ quay trở về ở lại", ông Thạch nhấn mạnh.
Người dân Thủ Thiêm hầu như ai cũng có một tập hồ sơ pháp lý. Thế nhưng việc xác định ranh giới khu 4,3 ha đến lúc này vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, người dân đều mong muốn ranh giới 4,3 ha sớm được xác định để giải quyết dứt điểm đền bù cho bà con.
"Thêm mỗi ngày chờ đợi là bà con chúng tôi lại thêm một ngày mất ăn mất ngủ. Thu hồi sai thì hãy trả lại, đền bù chưa đúng thì bù cho đủ và đất nào không lấy lại được thì bàn bạc với dân. Chỉ vậy thôi chứ chúng tôi cũng không phải cần TP phải xin lỗi đâu", ông Nguyễn Biểu chia sẻ.
Sáng 18/10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, đại diện Thanh tra Chính phủ và các sở, ban, ngành của TP.HCM… có buổi gặp mặt đại diện các hộ dân Thủ Thiêm trong khu 4,3 ha, khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Tại cuộc gặp này, lãnh đạo TP cũng cho rằng chưa xác định được ranh giới 4,3 ha. "Hôm nay, mời bà con Thủ Thiêm tới trò chuyện, cũng chưa xác định được ai nằm trong ranh, ngoài ranh 4,3 ha, đó là sai sót của TP", Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nói với người dân.
Cứ mỗi lần nghe có lãnh đạo xuống, dân lại bỏ ăn, bỏ việc đi gặp. Sau mỗi cuộc gặp, dân lại ngồi tụm lại ngóng tin. Lần này cũng không ngoại lệ.
"5 tháng vụ Thủ Thiêm được đưa ra ánh sáng, kết quả kiểm tra có cách đây hơn 1 tháng nhưng thời gian bà con chúng tôi đã chịu đựng và nỗ lực để chứng minh quyền lợi chính đáng của mình được tính bằng hàng chục năm. TP.HCM hãy có phương án giải quyết sớm nhất cho bà con vì mỗi lần gặp lãnh đạo là chúng tôi lại hy vọng", ông Nguyễn Văn Thi (phường An Khánh) nói.