8h30 sáng 8/6, Thường trực UBND TP.HCM và Trưởng ban tiếp công dân Trung ương có buổi làm việc với 31 hộ dân Thủ Thiêm về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM và ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương, chủ trì buổi gặp mặt này tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 2, nơi mà gần 1 tháng trước, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã gặp các cử tri địa phương này.
"Theo kế hoạch, lãnh đạo UBND TP và Ban tiếp công dân chỉ gặp gỡ 31 hộ dân nhưng tôi nghĩ người dân sẽ đến đông hơn", ông Lê Văn Lung, một trong 31 hộ dân được mời đến cuộc họp chia sẻ.
Phải thành lập đoàn Thanh tra Chính Phủ
Trong số 31 hộ dân dự kiến đến buổi tiếp xúc sáng 8/6, có 7 người được "bầu" để đối thoại với Ban tiếp công dân Trung ương. Theo ông Lung, ban đầu có 5 người, đó là những người có 20 lần tham dự buổi gặp gỡ như vậy suốt hơn 7 năm qua. Tuy nhiên, sau đó chính 5 người này lại đề xuất thêm 2 cá nhân nữa để cùng đề đạt ý kiến.
Ông Lung cho rằng căn cứ vào quy hoạch chung 1/5.000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 367 với diện tích 930 ha (trong đó Khu đô thị mới 770 ha và 160 ha của khu tái định cư) thì 31 hộ dân đang khiếu kiện không nằm trong trong ranh quy hoạch này.
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 với diện tích Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 748 ha, tức là giảm so với quy hoạch 1/5.000. Ông Lung cho rằng nếu diện tích giảm thì càng không có đất của họ trong ranh quy hoạch này.
Bà The năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn đi về giữa Sài Gòn - Hà Nội cùng hàng chục hộ dân Thủ Thiêm để khiếu kiện về đất đai. Ảnh: Trương Khởi. |
Ngày 22/3/2002, sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi đất theo Quyết định 367, Chủ tịch UBND TP.HCM cho là thiếu diện tích nên có thông báo 77 về tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 với giải pháp bổ sung phần diện tích khoảng 42 ha tại phường Bình Khánh - An Phú.
"Điều này có nghĩa là trong ranh quy hoạch này không hề liên quan đến các hộ dân chúng tôi", bà Lê Thị The (71 tuổi), người đã có 6 năm liền ra Hà Nội kiến nghị về đất đai, nói.
Do vậy, các hộ dân mong muốn Chính phủ lập đoàn Thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết tố cáo việc tồn đọng lâu ngày của người dân theo đúng quy trình của pháp luật nhằm truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện dự án này.
"Chỉ khi có đoàn Thanh tra mới làm rõ được cái nào dân đúng, cái nào dân sai. Và những cá nhân nào sai thì chúng tôi mong muốn sẽ được làm rõ", ông Lung bày tỏ.
'Mong câu chuyện dài sớm được giải quyết'
Là một trong 7 người tham gia đối thoại, ông Hồ Tấn Thiện cho biết mong muốn lớn nhất của người dân Thủ Thiêm là việc thu hồi đất xoay quanh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ sớm được giải quyết rốt ráo.
Ông Lung là người từng trưng ra bản đồ 1/5.000 khi có thông tin không tìm thấy bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm. Ảnh: Trương Khởi. |
Theo các hộ dân, những hộ dân còn ở lại bao năm qua phải sống trong những khu nhà ổ chuột, chật chội, nóng bức, mùa mưa thì lội nước bì bõm. Câu chuyện ai sai, ai đúng bây giờ không còn quan trọng mà vấn đề là cần làm rõ để giải quyết dứt điểm cho người dân.
"Bao nhiêu năm nay, đã có biết bao lời hứa rằng mọi chuyện sẽ được xem xét, giải quyết. Có thất vọng, có chán nản thì chúng tôi vẫn cố gắng, vẫn giữ niềm tin. Tôi sẽ vẫn cố gắng đi, đi cho hết quãng đời còn lại cùng người dân Thủ Thiêm", bà The đưa tay lau nước mắt.
Chiều 15/5, tại cuộc họp với UBND TP.HCM, các Bộ, ngành liên quan để bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc kéo dài. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành liên quan, trước hết là chính quyền các cấp của thành phố.
Về quan điểm giải quyết, Thủ tướng nêu rõ phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của TP.HCM, vì cuộc sống của người dân.
Quá trình giải quyết phải kiểm tra làm rõ các tình tiết vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi thống nhất tạo đồng thuận về hướng giải quyết.
Trường hợp người dân khiếu nại gặp khó khăn, cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.