Buổi chiều ngày phong tỏa thứ 3, Nguyễn Thành Khang (21 tuổi, quê Đắk Lắk), nhân viên quán ăn trong khu phong tỏa ở hẻm 40, đường Lê Thị Hồng (quận Gò Vấp) đã bớt đi cảm giác lo lắng, căng thẳng.
Theo lời Khang, mới chiều 30/5 nhận thông tin phong tỏa toàn quận, ngay sáng hôm sau con hẻm nơi cậu ở đã bị chăng dây, dựng rào chắn cùng tấm biển “khu vực cấm vào”.
Thành Khang là nhân viên quán cơm nằm trong khu phong tỏa ở hẻm 40 Lê Thị Hồng. |
“Mới ngủ dậy đã thấy chỗ mình thành 'hẻm phong tỏa trong khu phong tỏa' cũng có sợ. Nhưng nhờ cơ quan chức năng thông báo rõ ràng, việc phong tỏa kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng nên mọi người an tâm và bình tĩnh. Nhân viên quán hiện cách ly cùng nhau, mình không có áp lực gì quá lớn. Mọi người đều nhắc nhau giữ tinh thần ổn định, nghiêm túc thực hiện quy định phòng dịch”, Khang nói với Zing.
“Mình gọi cơm và đồ ăn ở ngoài rồi người ta ship đến. Đồ gửi vào đây hay chuyển ra ngoài đều được để ở chiếc bàn đặt ngay cạnh rào chắn, có sẵn bình xịt khử khuẩn để mọi người dùng. Các chú dân phòng cũng túc trực, hướng dẫn và hỗ trợ người dân khi cần”, cậu nói thêm.
Bình tĩnh chờ dịch qua
Hẻm 40 Lê Thị Hồng là khu ăn uống nổi tiếng ở quận Gò Vấp. Những ngày sống trong cảnh bị phong tỏa, sinh hoạt của người dân và cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng.
Cả bên trong và phía ngoài barie ngăn cách, quán xá đóng cửa im lìm, chỉ có ít hàng ăn mở cửa hoạt động cầm chừng. Lác đác có vài người kê ghế ra ngồi trước cửa để hóng gió trời vì trong nhà nóng và bức bối.
Cách con hẻm này khoảng 300 m là chợ Căn Cứ (hay thường gọi chợ Căn Cứ 26), hoạt động buôn bán tại đây vẫn được diễn ra bình thường.
Người dân trong hẻm bị phong tỏa ở Gò Vấp thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. |
Có kinh nghiệm từ những lần dịch bùng phát trước, biết các cửa hàng thiết yếu vẫn hoạt động, người dân không tích trữ quá nhiều đồ trong nhà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn mua sẵn thêm thực phẩm để hạn chế việc đi ra ngoài.
Chị Trịnh Thị Đào (51 tuổi), chủ hàng hải sản trong chợ Căn Cứ, cho biết thời gian này kinh doanh ế ẩm nhưng chị không thể đóng cửa vì đây là nguồn thu nhập chính nuôi gia đình.
Trước đây chị bán lẻ rất ít, chủ yếu bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn. Từ khi các cơ sở trên phải đóng cửa chống dịch, nguồn thu của chị giảm mạnh.
“Tôi còn thuê nguyên căn nhà 4 lầu này, bên dưới để bán hàng và nơi ở của gia đình, các lầu trên cho thuê lại. Dịch bệnh khó khăn nhưng chủ nhà cũng không giảm giá thuê, nhiều sinh viên ở chỗ tôi đã về quê hết. Hiện tại chỉ có thể bình tĩnh chờ dịch qua để cuộc sống trở lại bình thường”.
Việc buôn bán của chị Đào bị ảnh hưởng lớn do dịch. |
Trò chuyện qua cửa sổ lầu 2
“Nghe nói hẻm ngoài kia lại có F0, người ta vừa đưa đi Củ Chi rồi, bà có biết ai không?”, cô Hoa (60 tuổi, ngụ phường 17, quận Gò Vấp) vừa tưới cây ở ban công lầu 2 vừa nói chuyện với người hàng xóm nhà đối diện.
“Tôi có nghe rồi. Mấy ngày nay không dám ra ngoài, nhìn đâu cũng thấy phong tỏa. Ở nhà riết chán”, vị hàng xóm đang nấu cơm chiều nhìn qua cửa sổ đáp lời.
Những ngày này, cô Hoa và hàng xóm chỉ có thể nhìn nhau từ xa. Cuộc trò chuyện xoay quanh số ca nhiễm, thông báo chống dịch mới của phường và bao giờ hết phong tỏa.
Sống trong khu vực phong tỏa, cô Hoa thú thật đôi lúc có cảm giác lo lắng vì không biết liệu có khi nào đang nửa đêm hay mới ngủ dậy đã thấy mình thành F1. Để giải tỏa áp lực, cô cố gắng duy trì sinh hoạt một cách bình thường nhất.
Trước đây, sau khi ăn sáng và làm hết việc nhà, cô cùng bạn bè thường rủ nhau ra công viên chơi bóng chuyền. Bây giờ phải thực hiện lệnh giãn cách, cô chỉ tranh thủ buổi chiều một mình đeo khẩu trang đi bộ một đoạn gần nhà.
Tại khu phố của cô, nhiều người cũng chơi cầu lông, đá cầu trước nhà hoặc đạp xe quanh hẻm để giải tỏa căng thẳng trong những ngày này.
“Tôi chỉ mong hết phong tỏa để gặp hội chị em. Ông nhà tôi cũng đi ra đi vào vì không biết làm gì. Ở nhà cả ngày, tôi với ông xã đâm ra hay cãi nhau vì mấy chuyện ‘lông gà vỏ tỏi’”.
Một số người đi bộ gần nhà, chơi thể thao để giải tỏa căng thẳng. |
Chị Phượng (31 tuổi) là nhân viên một siêu thị tại Gò Vấp. Thời gian này chị vẫn đi làm, ông xã đang tạm nghỉ nên ở nhà lo chăm sóc con trai 5 tuổi và cô con gái gần một tuổi.
“Ở trong tâm dịch, có mấy lần tôi cũng thót tim. Một hôm trời tối, vừa đi làm về đến đầu đường, người dân túa ra từ mấy hẻm gần nhà để đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tôi vừa đi vừa bồn chồn không biết tình hình ra sao. Về đến nhà mới bình tâm hơn”.
Ở chỗ làm, mỗi lần tính tiền cho khách, chị Phượng và các nhân viên khác đều xịt khử khuẩn tay, mặt quầy và cả tiền. Về đến nhà, việc đầu tiên chị làm luôn là đi tắm rửa sạch sẽ rồi mới ngồi xuống chơi với các con.
"Mình còn giữ được việc, vẫn có thu nhập là đã may mắn hơn nhiều người. Những ngày này, tôi tập trung vào sức khỏe của mình, chăm sóc cả gia đình. Tôi tự nhủ miễn còn sức khỏe là còn tất cả. Mọi chuyện chống dịch mình cứ tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn của chính quyền. Bình tĩnh sống, dịch bệnh rồi sẽ qua đi", chị nói.