Đợt mưa, bão lớn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong và sau mưa bão, lũ lụt, các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải…, theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy), nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Toàn bộ đường giao thông tại TP Hà Tĩnh đã bị tê liệt do nước lũ. Ảnh: ND. |
Vì vậy, người dân cần khẩn trương thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Bên cạnh đó, người dân cần lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay để phòng bệnh.
Để tránh bệnh ngoài da, bạn nên vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Các chuyên gia khuyến cáo, muỗi cái đẻ trứng ở nơi nước đọng như chum, thau, vại, bể nước, lốp xe ôtô, chai lọ. Sau 2-3 ngày, trứng muỗi nở thành bọ gậy (lăng quăng), sau đó phát triển thành muỗi vằn. Vì vậy, loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi, diệt bọ gậy là điều đầu tiên cần làm. Người dân cần tiêu diệt chúng bằng cách đậy kín các bể, thùng, thả cá, loại bỏ chai, lọ phế thải, lốp ôtô hoặc hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng. Hãy mắc màn ngủ ngay cả ban ngày.
Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu người dân vệ sinh bể, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Nếu trời mưa, bạn nên hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.