“Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ. Hãy để người ta có thể đi lo hạnh phúc cho bản thân đã. Phải thật tốt mới lo được cho con mình. Khi người ta chưa hạnh phúc, không bao giờ con được hạnh phúc".
Phát biểu của cô Đào Thị Hồng Phượng, giáo viên trường THCS Yên Sở, giữa cuộc họp phụ huynh trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Hầu hết tỏ ra bất bình khi cô Phượng với tư cách một phụ huynh lại dùng những lời lẽ nặng nề, có ý kỳ thị cha mẹ đơn thân.
Với lý lẽ "gia đình khiếm khuyết", "không mang lại hạnh phúc cho trẻ", không ít người buông lời phán xét, phân biệt đối xử với những ông bố, bà mẹ đang nuôi con một mình.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dù không theo chuẩn chung, cha mẹ đơn thân với hoàn cảnh, lựa chọn riêng vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng và công bằng.
Những ông bố, bà mẹ không theo chuẩn gia đình một vợ một chồng bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Ảnh: Kinbox. |
Nỗi sợ làm mẹ đơn thân
“Tôi không chắc mình có yêu anh ấy không nhưng tôi sợ làm mẹ đơn thân, sợ trở thành một nokorimono”, Yui thì thầm với giọng đều đều.
Nokorimono là cách gọi mỉa mai với những người phụ nữ lớn tuổi, không lập gia đình ở Nhật Bản. Theo Yui, nếu ly hôn chồng, cô sẽ trở thành bà mẹ đơn thân và cũng bị xếp vào nhóm nokorimono.
8 năm trước, Yui kết hôn với người bạn thời thơ ấu. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài chung sống và có với nhau một con trai hiện 6 tuổi, Yui nói mối quan hệ của cô và chồng ngày càng bế tắc.
Người phụ nữ 30 tuổi cuối cùng lựa chọn kết thúc cuộc hôn nhân không còn tình yêu.
Không phải sự cô độc, thất nghiệp hay vấn đề tài chính, với Yui, điều kinh khủng nhất đang chờ đợi hai mẹ con cô là ánh nhìn của người đời và sự kỳ thị từ xã hội.
Phụ nữ Nhật Bản thường chịu hoàn toàn trách nhiệm nuôi con sau ly hôn. Ảnh: New York Times. |
Sau khi ly hôn, Yui chật vật tìm kiếm việc làm và nhà ở. Cô nói rằng gần như không công ty nào muốn nhận một người phụ nữ ngoài 30 tuổi và đang làm mẹ đơn thân.
Trong khi đó, các khu nhà ở, chung cư tại xứ sở hoa anh đào dường như chỉ hướng đến những gia đình “chuẩn mực” với một cặp vợ chồng và 1-2 đứa trẻ.
Dù đã kiếm được công việc bán thời gian, Yui vẫn phải chật vật với đủ loại hóa đơn, sinh hoạt phí và những nhu cầu thiết yếu để nuôi dạy một đứa trẻ hiếu động.
"Có việc làm không đồng nghĩa việc tôi có thể thoát khỏi những rắc rối tài chính. Nghèo đói và đủ vấn đề khác vẫn tồn tại", Yui nói với Inside Over.
Tại Nhật Bản, những bà mẹ đơn thân như Yui phải đối mặt với hai khó khăn lớn, đó là nhà ở và nuôi con.
Luật pháp Nhật Bản yêu cầu khi gia đình thuê nhà, cần có một người đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm. Thông thường, người chồng sẽ là người bảo lãnh trong khi vợ chỉ được xem là người đi thuê.
Vì vậy, trừ khi có sự hỗ trợ từ gia đình, các bà mẹ đơn thân thường gặp khó khăn khi không đủ tài chính để tự bảo lãnh thuê nhà cho chính mình. Tại các thành phố đông dân như Toyko, tiền thuê nhà rất cao và vấn đề càng trở nên phức tạp.
Ngoài ra, khi ly hôn, phụ nữ Nhật thường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nuôi con. Chưa đến một nửa trong số các bà mẹ đơn thân nhận được tiền cấp dưỡng từ chồng cũ.
“Kẻ ngang ngược không đáng tin”
Không chỉ ở Nhật Bản, cha mẹ đơn thân tại nhiều quốc gia khác cũng gặp khó khăn.
Tại Mỹ, chỉ riêng ở cấp liên bang, có hơn 1.000 điều luật chỉ có lợi và bảo vệ những người kết hôn hợp pháp, có gia đình đầy đủ - bao gồm giảm thuế, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Giữa năm 2016, Owen Lovell, thị trưởng của Lyme Regis (Anh), gây bức xúc với phát ngôn kỳ thị cha mẹ đơn thân. Cụ thể, ông Lowell đã nói rằng những công dân “có đạo đức tốt” nên được ưu tiên hơn những cha mẹ đơn thân trong chính sách nhà ở của thị trấn.
Tuyên bố của thị trưởng Lovell bị coi là có ý miệt thị, phân biệt đối xử với những ông bố, bà mẹ đang nuôi con một mình.
Sau khi nhận sự chỉ trích dữ dội, ông Lovell đã phải công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông.
Với nhà văn Alice Talbot, mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ, tuyên bố của ngài thị trưởng khiến cô buồn nhưng không quá sốc. Bởi trong nhiều năm một mình nuôi con, cô đã quá quen với những lời gièm pha, sự kỳ thị.
Alice Talbot - mẹ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ - nói cô thường bị người khác xem là "kẻ ngang ngược không đáng tin". Ảnh: Telegraph. |
“Tôi bị xem là kẻ ngang ngược không đáng tin. Tôi không thích nhưng phải chấp nhận nó. Có vẻ như tôi nên xin lỗi vì đã kết hôn, sinh con nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cuối cùng lại nuôi con một mình. Xin lỗi nhưng tôi chẳng thấy mình có lỗi”, nữ nhà văn viết trên Telegraph.
"Theo cách nghĩ thông thường, mọi người cho rằng con cái lớn lên trong mái ấm đầy đủ sẽ phát triển tốt hơn trẻ em sinh ra chỉ có cha hoặc mẹ", nhà văn nói.
Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn diện về ảnh hưởng của các loại cấu trúc gia đình khác nhau đối với hạnh phúc của thanh thiếu niên của tác giả Thomas Deleire và Ariel Kalil đã chứng minh điều ngược lại.
Nghiên cứu được tiến hành với hơn 11.000 thanh thiếu niên lớn lên trong 10 loại hộ gia đình khác nhau, bao gồm cả các hộ gia đình đầy đủ cha mẹ, cha mẹ đang sống thử, cha/ mẹ đơn thân (đã ly dị, luôn độc thân)...
"Cấu trúc gia đình không quyết định sự phát triển của trẻ. Những đứa trẻ là con của ông bố, bà mẹ đơn thân vẫn có tính cách tốt, học tập giỏi, công việc đáng mơ ước. Họ thậm chí có thể làm tốt hơn những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cả cha và mẹ", các nhà nghiên cứu kết luận.