Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đồng sáng lập trường Lương Thế Vinh nói về PGS Văn Như Cương

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết quan điểm giáo dục của thầy và PGS Văn Như Cương khác, nhưng không phủ nhận nhau. Thầy Khang bày tỏ ông sẽ còn học tập nhiều ở "người anh lớn".

Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - qua đời rạng sáng 9/10 tại nhà riêng.

Rạng sáng 9/10, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - qua đời trong sự thương xót của gia đình, nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - người đã sát cánh cùng PGS Văn Như Cương trong những ngày đầu mở trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - cho hay ông biết tin buồn từ 3h sáng nay.

"Tôi ngậm ngùi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất với anh Cương, những năm tháng nhiều khó khăn mà đẹp đẽ khi thành lập trường Lương Thế Vinh", thầy giáo hiện là hiệu trưởng trường Marie Curie tâm sự.

Kỷ niệm về trường dân lập đầu tiên của Việt Nam

Nghĩ lại quãng thời gian của tuổi trẻ nhiều hoài bão, thầy Nguyễn Xuân Khang kể ông và PGS Văn Như Cương là những người bạn vong niên. Họ cách nhau một giáp tuổi nhưng cùng chung khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. 

Theo thầy Khang, sự ra đi của PGS Cương không đột ngột vì cách đây 3 năm, ông đã mang trong mình căn bệnh ung thư. Mặc dù biết bệnh nặng, với sự nỗ lực của bản thân, tinh thần lạc quan, suốt thời gian qua, PGS Văn Như Cương dũng cảm chống chọi bệnh tật.

PGS Van Nhu Cuong anh 1
Thầy Nguyễn Xuân Khang được học sinh yêu mến gọi là "ông nội" ở trường Marie Curie. Ảnh: Thành Long. 

Theo dòng kỷ niệm trôi về 30 năm trước, thầy Nguyễn Xuân Khang bồi hồi nhớ lại thời gian đầu thành lập trường THPT dân lập đầu tiên của Hà Nội.

Năm 1988, hai người bạn Văn Như Cương và Nguyễn Xuân Khang gửi thư ngỏ tới Bộ trưởng GD&ĐT khi ấy là GS Phạm Minh Hạc, xin phép thành lập trường tư thục đầu tiên của Hà Nội và cũng là đầu tiên của cả nước.

Thầy Khang kể trước đó, trường tư thục đã có nhưng bị thu lại, trở thành trường công lập. Vì vậy, ý định thành lập này là sự khôi phục chứ không phải sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hạc bấy giờ rất ủng hộ, tổ chức hội thảo ngày 11/8/1988 tại số 14 Lê Thánh Tông, Hà Nội, nhằm báo cáo dự án thành lập trường. Cuối buổi họp, bộ trưởng đồng ý thành lập trường dân lập đầu tiên, đồng thời yêu cầu trong một tuần phải xác định rõ 3 vấn đề: Tên trường, địa điểm thành lập, đội ngũ giáo viên.

“Chúng tôi phấn khởi lắm. Trưa hôm đó, tôi và anh Cương cùng thống nhất mỗi người sẽ nghĩ một cái tên, sáng hôm sau báo lại”, thầy Khang kể.

“Như đã hẹn, anh Cương hỏi tôi: 'Cậu định đặt tên trường là gì?' Tôi nói: 'Em định đặt là Lương Thế Vinh'. Tôi giải thích với anh Cương, nước ta có rất nhiều nhà quân sự, nhà nho nổi tiếng nhưng về khoa học tự nhiên, Lương Thế Vinh là nhà toán học đầu tiên.

Tuổi thơ của ông đã có nhiều giai thoại ấn tượng, sâu sắc khi được mệnh danh thần đồng Toán học Việt Nam. Việc chúng ta vinh danh một nhà toán học cũng rất thú vị”, thầy Khang nói.

Sau khi nghe giải thích, PGS Văn Như Cương quyết định đặt tên trường là Lương Thế Vinh, dù trước đó, ông định đặt tên là Nguyễn Trường Tộ.

Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết bấy giờ, giáo dục chưa phát triển, giáo viên còn đi lắp ráp linh kiện tivi để cải thiện cuộc sống nên đội ngũ giảng dạy không khó để chọn lọc.

Vấn đề địa điểm, thầy Nguyễn Xuân Khang liên hệ với Đại học Tổng hợp (khi đó chưa có Đại học Quốc gia Hà Nội), được hiệu trưởng Nguyễn An ủng hộ, sẵn sàng cho thuê cơ sở vật chất. 

Ngày 20/8/1988, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị cho phép thành lập trường THPT dân lập đầu tiên của Hà Nội, cũng là của Việt Nam.

Trường Lương Thế Vinh ra đời ngày 1/6/1989, tháng 9 năm đó tiến hành khai giảng. Thầy Văn Như Cương là hiệu trưởng và thầy Nguyễn Xuân Khang là hiệu phó.

Sau ba năm làm việc cùng nhau, thầy Khang tách ra thành lập trường Marie Curie.

'Quan điểm giáo dục khác nhau nhưng không phủ nhận nhau'

Hiệu trưởng trường Marie Curie chia sẻ hiện tại, khi nhìn lại về người anh đã quá cố, điều khiến ông ấn tượng nhất là cả cuộc đời tâm huyết với giáo dục của PGS Văn Như Cương. 

PGS Van Nhu Cuong anh 2
PGS Văn Như Cương và học trò. Ảnh: Hoàng Hà. 

Theo thầy Khang, trước khi PGS Văn Như Cương mất, nhiều người tranh luận về phương pháp giáo dục của thầy nói riêng và quy định của trường Lương Thế Vinh nói chung, với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

“Tôi và anh Cương có quan điểm giáo dục khác nhau nhưng không phủ định nhau”, thầy Khang nói.

Ông bảo dù mọi người tranh luận như thế nào cũng không thể phủ nhận thầy Cương là người tâm huyết và đã thành công trong cách giáo dục của mình, mang lại cho gia đình, xã hội và ngành những thành tựu nhất định.

"Tôi còn trẻ hơn anh Cương, bản thân tiếp tục học hỏi những người đi trước, trong đó có PGS Văn Như Cương, để đóng góp cho xã hội”, thầy Khang bày tỏ.

Khi nhắc về người anh, thầy Khang tự hào nói đó là cán bộ Toán học đầu ngành, đã để lại những cuốn sách hình học chuyên môn sâu cho giáo dục phổ thông. Sắp tới, khi hình thành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và viết sách giáo khoa, các thế hệ sẽ tiếp tục kế thừa sản phẩm của PGS Văn Như Cương để lại.

Ngoài ra, PGS Văn Như Cương còn là người thông minh, dí dỏm, làm thơ, câu đối rất hay, được lưu truyền nhiều thế hệ.

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật. Facebook của người thân và học sinh trường Lương Thế Vinh đồng loạt đổi màu đen.

Những câu nói ý nghĩa của PGS Văn Như Cương

"Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"..., những câu nói của PGS Văn Như Cương vừa sắc sảo, vừa bao hàm nhiều triết lý về giáo dục.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm