Chưa đến 1/5 người đồng tính ở Nhật Bản chọn come out (công khai xu hướng tính dục) ở nơi làm việc dù cái nhìn về cộng đồng này ngày càng trở nên tích cực trong các công ty và xã hội nói chung, theo South China Morning Post.
Khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Jibun cũng cho thấy chỉ có 36% trong số 1.000 người được hỏi (một nửa là dị tính, một nửa là LGBT) cho biết các công ty của họ tiến hành phổ biến, nâng cao nhận thức về LGBT; 34,4% công ty tham gia hoặc tài trợ các sự kiện dành cho người thuộc cộng đồng này.
Trong khi đó, 36,6% công ty tặng tiền mừng cho người LGBT trong những dịp đặc biệt, ví dụ như đám cưới đồng giới hoặc tang lễ. Tuy nhiên, chỉ 33% công ty có các tuyên bố rõ ràng liên quan đến phân biệt đối xử nhóm người này ở nơi làm việc.
Trong số những người đồng tính tham gia khảo sát, chỉ có 17,6% nói họ cởi mở về xu hướng tính dục của mình.
Tại Nhật Bản, chỉ 17,6% người trong cộng đồng LGBT cho biết họ cởi mở về giới tính của mình tại nơi làm việc. Ảnh: AP. |
Hitoshi làm việc cho một công ty ở Tokyo và đã come out. Dù vậy, anh vẫn lo bị đối xử khác biệt nên không muốn công khai quá chi tiết thông tin về mình cũng như nơi làm việc.
"Giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, không phải ai cũng dễ dàng công khai giới tính", anh nói.
Hitoshi cho biết nhiều người LGBT lo lắng bị cô lập ở chỗ làm, dù tại Nhật Bản có thể không quá gay gắt như một số quốc gia khác. Anh cũng chia sẻ người chuyển giới thường bị phân biệt đối xử "khá nghiêm trọng" ở xứ Phù Tang.
“Ở chỗ tôi làm, ít nhất là trong mắt tôi, không có tình trạng phân biệt đối xử. Tuy nhiên, chẳng ai biết một người sẽ phản ứng như thế nào khi biết đồng nghiệp của mình là người đồng tính hay chuyển giới", anh chia sẻ.
Alexander Dmitrenko, luật sư tại văn phòng Tokyo của công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer và là thành viên của Mạng lưới Luật sư Liên minh LGBT, cho biết dường như có một số lý do khiến người Nhật thích giữ kín về xu hướng tính dục của mình ở môi trường văn phòng.
“Người Nhật có xu hướng giữ bí mật các vấn đề trong cuộc sống riêng tư của họ, nhưng người dân ở phương Tây và các nơi khác trên thế giới nhìn vấn đề này qua một lăng kính hoàn toàn khác", anh nói.
Cái nhìn của xã hội Nhật Bản về người đồng tính đã cởi mở hơn. Ảnh: AFP. |
Theo hiểu biết của Dmitrenko, khoảng 50% người LGBT ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu cởi mở về giới tính của họ tại nơi làm việc.
“Ở phương Tây, come out đã trở thành một phần của phong trào vì quyền con người. Bằng cách come out, mọi người đều có thể trở thành 'đại sứ' cho phong trào LGBT và nâng cao kiến thức của mọi người", anh cho biết.
“Một vấn đề lớn hơn nhiều là cộng đồng LGBT không muốn bị đánh giá qua lăng kính tình dục của mình. Họ muốn làm việc tại một doanh nghiệp nơi họ được đánh giá cao như một nhân viên làm tốt công việc và là tài sản của công ty".
Tuy nhiên, Dmitrenko cũng tin rằng các thành viên của cộng đồng LGBT tại Nhật Bản đang trở nên “thoải mái hơn” khi xã hội xứ anh đào bắt đầu dễ chấp nhận hơn, cho rằng vấn đề này “không còn là điều cấm kỵ”. Gần đây, nhiều chính quyền địa phương đã có động thái chấp nhận hôn nhân đồng giới.
"Tôi cảm thấy bầu không khí trong xã hội xung quanh quyền của LGBT đã thay đổi rất nhiều trong khoảng 10 năm qua", Hitoshi bày tỏ.
Đối với anh, có hai sự kiện mang tính bước ngoặt báo hiệu sự thay đổi ở xứ Phù Tang về LGBT. Một là vào năm 2017, Fuji TV phải đưa ra lời xin lỗi chính thức sau khi đem những người đồng tính nam ra làm chủ đề đùa cợt trong một chương trình hài. Đến đầu năm nay, một chính trị gia địa phương ở Tokyo cũng nhận nhiều chỉ trích sau khi tuyên bố phản đối quyền bình đẳng cho người LGBT.