Người đồng tính vật vã sống và yêu
Định kiến về người đồng tính vẫn còn nặng nề, thể hiện qua nghiên cứu “Câu chuyện từ 40 người nữ yêu nữ” cũng như vở kịch "Được là chính mình" công diễn gần đây.
“Bức tường” lớn nhất
Những tác giả đề tài “Câu chuyện từ 40 người nữ yêu nữ” (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) cho hay: Trong số 40 người nữ tham gia khảo sát, có 32 người xác định mình là đồng tính, còn lại là lưỡng tính, “phụ nữ bình thường” (dị tính) hoặc không dán nhãn cho mình thuộc giới nào.
Có 38 người sống ở Hà Nội và 2 người ở vùng lân cận, hầu hết ở độ tuổi từ 19 đến gần 30. Hằng ngày, họ thường dùng nickname (tên hiệu) để giữ bí mật bản thân.
Các diễn viên diễn trong vở Được là chính mình |
Trước câu hỏi: “Những người trẻ lớn lên trong thời đại thông tin và một xã hội cởi mở hơn, liệu có come out (lộ diện) nhiều hơn với cha mẹ không?”, câu trả lời của những người trẻ nhất là “không”. Một người giải thích: “Những người sinh trong những năm 1988, 1989 rất thoáng, kể cả bạn bè dị tính cũng rất thoáng. Cái vấn đề xã hội tự nhiên thành vấn đề nhỏ. Nhưng vấn đề gia đình vẫn còn lớn, bởi khi người ta đã come out (chỉ việc công khai giới tính) ra với xã hội rồi, bắt đầu quay trở lại gia đình thì thấy khó khăn. Trăm gia đình như cả trăm, không ai muốn con mình có cuộc sống khác người”.
Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn cha mẹ khi phát hiện con mình là đồng tính và đang yêu người cùng giới, đã xem đó là chuyện “kinh thiên động địa”. Họ phản đối kịch liệt, cho rằng đồng tính luyến ái là bệnh, là xấu, là trào lưu hoặc là sự ngộ nhận, đua đòi, đi trái với lẽ thường (trai lấy vợ, gái lấy chồng). Họ lo âu, thất vọng và day dứt, không chịu nổi những áp lực vô hình hay hữu hình của người xung quanh và luôn cố gắng thay đổi con mình. Họ sử dụng nhiều biện pháp, từ lời nói đơn giản “Tao cấm!” cho đến nhốt con ở nhà, theo dõi, cách ly, dọa từ con hoặc tự tử. Có những gia đình không thay đổi được con thì đành “bó tay” song vẫn không chấp nhận, vẫn nuôi hy vọng ngày nào đó con sẽ sống dị tính như bao nhiêu người khác.
Rất nhiều người đồng tính cùng hướng đến quan niệm: Hạnh phúc là sống thật. Có những người đã tìm thấy không gian sống thật với mình ở ngoài xã hội, bên bạn bè, người yêu. Tuy nhiên, như một nghịch lý, số người sống thật với cha mẹ, gia đình lại vô cùng ít ỏi. Vì vậy, họ thường chịu gánh nặng tâm lý, cảm giác cô độc ngay bên cạnh người thân khi phải giấu mình, giấu tình cảm bằng nhiều hình thức. Trong đó có việc giấu bằng chiếc “bình phong” là kết bạn trai hoặc ép mình phải lấy chồng, sinh con…
Rào cản không phải là… chiếc ghế
Trên nền thanh âm xình xịch đều đều như nhịp con - tàu - cuộc - đời, những tiếng nói khắc khoải vang lên: “Dù là tôi, là bạn hay bất kỳ một ai khác, dù là nam, nữ hay bất kỳ một giới nào khác, dù chân thật hay dối trá, mạnh mẽ hay mềm yếu, chúng ta đều khao khát được yêu và hạnh phúc”.
Đó là một cảnh mở màn của vở kịch về người đồng tính Được là chính mình do đạo diễn Bùi Như Lai dàn dựng từ ý tưởng cuộc nghiên cứu trên. Ngày 17/9 vừa qua, những nghệ sĩ trẻ Đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ đã tạm khép lại chuyến lưu diễn tại 2 sân khấu lớn cùng 10 trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM.
Kéo dài 1 tiếng đồng hồ nhưng vở kịch có chưa tới 10 lời thoại. Chủ yếu là sử dụng hình thể mang tính biểu cảm cao, với những bàn tay chới với, run rẩy, ánh mắt đau đáu hay vòng ôm hụt hẫng… Tất cả đã diễn tả nội tâm giằng xé của những cặp đôi đồng tính (nam lẫn nữ) trong hành trình vật vã tìm lại chính mình và sống thật với mình.
“Có người thuận tay trái thì cũng có người thuận tay phải. Đồng tính cũng như dị tính, âu cũng là lẽ thường tình. Tôi, một ngôi sao lẻ - Thao thức triệu triệu đêm dài. Ai nghe xin đáp vọng…" - lời tự tình của nhân vật đồng tính nữ cũng như thông điệp của vở kịch đã nhận được sự thấu cảm của rất nhiều khán giả.
Ông Văn Dự, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM chia sẻ: “Vở kịch khẳng định giá trị sống của con người, những thân phận đang bị xã hội nhìn với ánh mắt khắc nghiệt. Nó sẽ giúp những bạn trẻ bước vào cuộc sống với cái nhìn nhân ái hơn, biết yêu thương con người hơn bao giờ hết”.
Nguyễn Hữu Phước, một sinh viên ngành xã hội học (ngụ ở quận Bình Tân, TP.HCM) nhận xét: “Em thấy ấn tượng nhất là hình ảnh những chiếc bàn ghế - tượng trưng cho rào cản, sự kỳ thị - cuối cùng đã bị xô ngã. Một điều nữa em rút ra từ vở diễn này, đó là người đồng tính cũng cần phải nỗ lực hết sức để vực mình dậy, vươn lên trong cuộc sống”.
Không chỉ cảm thông nỗi niềm của người đồng tính và cả người chuyển giới, Thùy Trâm, sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM còn bày tỏ trăn trở: “Những chiếc ghế trên sân khấu đã bị đạp đổ. Nhưng, rào cản và định kiến ở ngoài đời không phải là những chiếc ghế để có thể dễ dàng xô ngã được nếu không có sự chung tay của mọi người”.
Theo Thanh Niên