Tính năng smartkey dù tiện dụng vẫn có thể đưa xe máy vào tình huống rủi ro mất cắp. Ảnh: Tuấn Khanh. |
Smartkey trên xe máy có thể coi là nâng cấp đáng giá nhất kể từ khi nó xuất hiện. Thay vì phá khóa trong vài giây đối với những ổ khóa xe máy thông thường, kẻ gian gần như bó tay trước công nghệ khóa thông minh.
Tất nhiên những tiện lợi của smartkey cũng mang lại một số phiền hà cho chủ xe, phần vì quá tiện lợi, phần vì một số hạn chế của công nghệ này.
Chị Mai Trang (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện suýt bị lấy nhầm xe máy vì hai chiếc xe cùng dòng đều sử dụng hệ thống khóa smartkey với màu sơn giống nhau.
Rủi ro khi treo smartkey trên xe máy
Chị Trang kể lại chồng chị mượn xe Honda Lead đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà. Do vội vàng nên anh cũng không mang theo mà để hẳn FOB (thiết bị điều khiển cầm tay) trong hộc đựng đồ phía trước xe.
Lúc này, một người khác cũng mua hàng cùng địa chỉ khi bước ra lấy xe đã nhầm rằng chiếc Lead của gia đình chị Trang là xe của mình.
Chiếc xe của chị Trang (bên trái) đã bị chủ chiếc LEAD bên phải nhầm thành xe máy của nhà mình. Ảnh: NVCC. |
“Vì chồng tôi bỏ thiết bị FOB chưa ngắt bên trong hộc đựng đồ nên chiếc xe cứ thế mà khởi động được luôn. Bác kia thì thấy xe nổ máy được, cứ tưởng rằng đã mở khóa xe của mình thành công nên ngồi lên và đi bình thường”, chị Trang kể với Zing.
Sau đó nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, cả hai đã liên lạc được với nhau và trao trả lại những chiếc xe về với đúng chủ nhân của mình.
“Đây là một bài học không chỉ với gia đình chúng tôi mà còn với những ai đang dùng xe máy có trang bị smartkey. Không nên chủ quan trong bất kỳ trường hợp nào”, chị Trang kết luận.
Chị An Nhiên (Hà Nội) cho biết cũng từng trải nghiệm việc cầm nhầm xe máy do hệ thống smartkey.
Theo lời chị Nhiên, xe của chị và của người thân đều là Honda Lead được trang bị smartkey. Trong một lần về dự tiệc ở địa phương, cả hai vì khá chủ quan nên không ngắt FOB và treo luôn thiết bị này trên xe.
Đến khi tan tiệc, chị Nhiên điều khiển xe của mình về nhà cách đó khoảng 20 km mà không nhận ra là đã lấy nhầm xe. Đến lúc mở cốp xe để lấy đồ, chị mới phát hiện chiếc LEAD mà mình chạy về thực chất là của người họ hàng kia.
“Cũng bởi tiệc trong nhà toàn người quen nên cả hai đều cất FOB chưa ngắt ở hộc để đồ phía trước. Vì thế khoảng cách giữa xe với FOB không quá xa, khiến xe vận hành bình thường mà không phát cảnh báo hay ngắt động cơ gì cả. Cũng may chỉ cầm nhầm xe của người quen, chứ không chắc tôi đã tưởng bị tráo mất xe”, chị Nhiên vui vẻ kể lại.
Một số người cũng chia sẻ các trường hợp tương tự. Phần lớn vì chủ quan mà treo FOB ngay trên xe hoặc để bên trong hộc đựng đồ phía trước, đồng thời chưa ấn tắt, khiến bất kỳ ai cũng có thể ngồi lên và khởi động máy một cách bình thường.
Tuy vậy phần đông cho biết chuyện này chỉ xảy ra khi để xe cùng khu vực với người quen, hoặc do những nhầm lẫn đơn thuần giữa các chủ xe với nhau nên chưa ghi nhận mất mát.
Cần làm quen với việc sử dụng smartkey
Đối với các tình huống chủ quan của người dùng khi bỏ FOB ngay trên xe, kẻ gian có thể dễ dàng lấy đi chiếc xe mà không gặp trở ngại nào. Việc này về cơ bản cũng giống như người dùng quên không rút chìa khóa ra khỏi chiếc xe sử dụng khóa cơ.
Ngoài tình huống kể trên, người sử dụng smartkey trên xe máy còn thường xuyên rời khỏi xe mà không tắt tín hiệu trên FOB, dẫn tới một số rủi ro có thể xảy ra.
Đèn trên FOB chuyển đỏ, xe sẽ không thể nổ máy. Ảnh: Phong Vân. |
Những chiếc xe sử dụng công nghệ smartkey sẽ có thể nổ máy khi FOB ở khoảng cách dưới 3 m, trong vùng nhận tín hiệu của FOB. Vì thế ở một số trường hợp cụ thể ví dụ như người lái xuống xe mua hàng nhưng vẫn đứng gần xe ở khoảng cách trên, có thể xảy ra tình huống lấy nhầm xe.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, FOB nên được tắt mỗi khi rời khỏi xe, điều này được ghi rõ trong tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm khi mua xe. Việc tắt FOB giống như bấm nút khóa cửa trên ôtô, sẽ đảm bảo an toàn cho chiếc xe.
Tất nhiên thực tế sử dụng, nhiều người dùng thường xuyên bỏ FOB vào túi quần hoặc túi xách và không tắt hoàn toàn FOB khi rời khỏi xe. Điều này vẫn đảm bảo an toàn khi xe được để ở nơi an toàn như bãi gửi xe, hầm để xe, và người dùng chú ý tín hiệu và đèn khóa xe. Đối với những lúc tắt máy nhưng vẫn đứng gần xe, tốt nhất nên tắt FOB để đảm bảo an toàn.