Là xu hướng chung trên toàn cầu nhưng tại Việt Nam, ôtô điện vẫn được xem như loại phương tiện di chuyển mới, có số lượng không nhiều và hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm hiện chưa phát triển.
Ôtô thuần điện (EV) đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2014, với sự xuất hiện của Nissan Leaf dưới dạng nhập khẩu tư nhân. Sau đó, những mẫu xe Tesla như Model S, Model X hay Model 3 lần lượt được đưa về.
Tuy nhiên, phải tới khi Porsche Taycan được phân phối chính hãng cuối năm 2020 và VinFast VF e34 chính thức nhận đặt hàng vừa qua, ôtô điện mới thực sự được đông đảo người dùng quan tâm.
Người dùng Việt đã sẵn sàng đón nhận ôtô điện
Dù còn mới lạ tại Việt Nam, không ít người dùng hiện đã có kiến thức, hiểu biết nhất định về ôtô điện, thậm chí thể hiện sự hào hứng, sẵn sàng cho loại phương tiện giao thông mới này.
Trả lời Zing, anh Đào (Đà Nẵng) cho biết mình có ý định mua và sử dụng ôtô điện bởi theo anh, loại xe này giúp giảm chi phí nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường. Tương tự, anh Hinh (TP.HCM) cũng bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn sở hữu một chiếc ôtô điện.
Trong khi đó, anh Tín (Kiên Giang) cho biết đã tìm hiểu về ôtô điện. Đối với anh Tín, lợi ích mà loại xe này mang lại là không phát thải, thân thiện với môi trường. Đồng quan điểm, anh Minh (Hà Nội) nhận xét thân thiện môi trường là ưu điểm lớn nhất của ôtô điện.
Gần 4.000 đơn đặt hàng VinFast VF e34 sau 12 giờ mở bán cho thấy sự quan tâm, đón nhận lớn của người dùng với ôtô điện. |
Một ví dụ tiêu biểu khác cho thấy sự quan tâm, đón nhận của người dùng với ôtô điện là số lượng đơn đặt hàng VinFast VF e34. Theo số liệu từ VinFast, VF e34 ghi nhận 3.692 đơn đặt hàng sau 12 giờ mở bán – điều chưa mẫu ôtô nào làm được tại thị trường Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Xu hướng phát triển ôtô điện trên thế giới và cơ hội tại Việt Nam” do Zing News tổ chức, nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ sự bất ngờ với những gì mà mẫu xe điện VinFast VF e34 làm được.
“Số lượng vài nghìn đơn đặt hàng trong thời gian ngắn như vậy đủ để thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm đến xe điện, đến việc sử dụng xe điện như thế nào và có ích lợi gì.
Việc đặt mua ôtô điện cũng cho thấy người dùng đã có sự cam kết nhất định với cuộc sống của họ và với môi trường. Đây là một tín hiệu tốt”, ông Ngọc nói.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người dùng ôtô điện
Bên cạnh sự cởi mở đón nhận, người dùng Việt vẫn còn những băn khoăn về ôtô điện, ví dụ như phải thay đổi thói quen sử dụng, phải tính toán kế hoạch di chuyển và sạc pin hợp lý, hệ thống trạm sạc có đủ rộng để đáp ứng nhu cầu hay không...
Hiện tại, các hãng sản xuất và bán ôtô điện tại Việt Nam như Porsche hay VinFast đều đang có kế hoạch và giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dùng trong việc sạc pin cho xe. Đơn cử, khách mua Porsche Taycan sẽ được kiểm tra điều kiện sạc tại nhà và tư vấn thiết bị sạc phù hợp. Trong khi đó, VinFast đặt mục tiêu triển khai hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc xe máy và ôtô điện trong năm 2021, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm điểm sạc và an tâm trong suốt quá trình sử dụng xe.
Dù vậy, với sự thay đổi đáng kể trong thói quen sử dụng, ôtô điện vẫn cần các chính sách đi kèm phù hợp để thúc đẩy, khuyến khích người dùng. Cụ thể hơn là những lợi ích thực tế so với xe dùng xăng, dầu như giá bán, chi phí sử dụng thấp hơn, được hỗ trợ về thuế, phí hay thủ tục.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm trên Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng cho biết các quốc gia và vùng lãnh thổ mà ôtô điện bùng nổ như Trung Quốc hay châu Âu đều có chính sách để khuyến khích hãng xe sản xuất, kinh doanh ôtô điện. Từ đó, hãng xe chủ động đưa ra những chiến lược quảng bá, ưu đãi cụ thể để thu hút người dùng.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng (trái) nhận định ôtô điện cần mang lại những lợi ích rõ rệt và thực tế để thuyết phục người dùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Lợi ích của người dùng luôn được đặt cao nhất và những sản phẩm tốt, có giá bán hấp dẫn chắc chắn sẽ được lựa chọn.
Ví dụ, khi mẫu ôtô dùng nhiên liệu hydro Toyota Mirai bán ra tại Nhật Bản vào năm 2014 với mức giá khoảng 57.000 USD, khách hàng mua xe được trợ giá tới gần 20.000 USD – tương đương 35% giá trị chiếc xe. Lợi ích cho người dùng rất thực tế và rõ ràng”, ông Thắng nhận xét.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, cho rằng những hình thức như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế linh kiện, giảm phí sử dụng đường bộ, phí trước bạ hay giảm giá điện cho những người dùng điện sạc pin ôtô có thể được áp dụng để giảm giá bán và chi phí sử dụng, qua đó khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe điện.
Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, khi có hạ tầng đồng bộ và đủ tiên lợi, người dùng sẽ chuyển sang sử dụng ôtô điện. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng quan điểm, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng yếu tố quan trọng để ôtô điện phát triển nằm ở việc người tiêu dùng có cảm thấy được lợi khi chuyển sang sử dụng loại xe này hay không.
“Điều người dùng quan tâm trước hết là giá thành sản phẩm có hợp túi tiền không và sử dụng sản phẩm này giúp ích gì, có lợi ra sao với cuộc sống của họ. Sau đó họ mới nghĩ đến những câu chuyện khác.
Người dùng sẽ lựa chọn sản phẩm mà họ thấy phù hợp nhất. Khi có hạ tầng đồng bộ, đủ tiện lợi thì họ sẽ chuyển sang sử dụng ôtô điện”, ông Ngọc nhận xét.