Theo thứ tự thừa kế ngai vàng ban đầu, Lilibet (tên gọi lúc nhỏ của cố Nữ hoàng Elizabeth II) và em gái Margaret sẽ sống cuộc đời xa hoa nhưng không có quá nhiều trách nhiệm phải gánh vác với Hoàng gia Anh, theo ABC News.
Nhưng ngày 11/12/1936, khi người chú không con của họ từ bỏ ngai vàng, số phận của hai chị em hoàn toàn thay đổi.
Lilibet đã trở thành Nữ hoàng Elizabeth II, quốc vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh. Còn Margaret, cô gái có trí thông minh và khao khát ánh đèn sân khấu, phải dành phần đời còn lại của mình trong bóng tối để nhường hào quang cho chị gái yêu quý.
Sự khác biệt vị trí có thể khiến hai chị em dần xa rời nhau, giống như cách chiếc vương miện đã chia cắt rất nhiều anh chị em hoàng gia trong suốt lịch sử.
Nhưng bằng sự gắn kết đặc biệt, Nữ hoàng Elizabeth II và Công chúa Margaret đã gìn giữ mối quan hệ thân thiết như những ngày đầu trong suốt quãng đời còn lại, theo Andrew Morton, nhà văn, nhà báo chuyên viết tiểu sử cho các nhân vật hoàng gia.
Ông viết trong cuộc sách Elizabeth and Margaret: The Intimate World of the Windsor Sisters: "Margaret là bản ngã thay thế, người tri kỷ của Nữ hoàng Elizabeth II. Trong suốt cuộc đời, Elizabeth và Margaret luôn đối chọi về tính cách. Nhưng người chị nhạy bén lại rất hợp với cô em gái nghịch ngợm".
Dù có tính cách và vai trò khác biệt, cố nữ hoàng và em gái vẫn giữ mối quan hệ thân thiết trong suốt cuộc đời. Ảnh: Ian Pretorius. |
Hoàn toàn khác biệt
Vương tộc Windsor có lịch sử sản sinh ra một người thừa kế nghiêm túc, bảo thủ và một người anh chị em ưa mạo hiểm, nổi loạn.
"Charles nhẫn nại so với Andrew bốc đồng. William thận trọng bên cạnh Harry liều lĩnh", Andrew Morton nói.
Công chúa Margaret từng thừa nhận bà và chị gái nữ hoàng cũng rất vừa vặn với truyền thống này.
"Khi có hai chị em gái, và một người là nữ hoàng, người phải là nguồn gốc của mọi danh dự và tất cả những gì tốt đẹp nhất, người còn lại phải là tâm điểm của sự xấu xa, đáng ghét", bà nói.
Mặc dù có ngoại hình giống nhau đến kỳ lạ, nhưng hai chị em là những người cực kỳ khác biệt về tính cách.
Buổi sáng của Nữ hoàng Elizabeth II tuân theo quy trình nghiêm ngặt phù hợp với một quốc vương: Bị đánh thức bởi tiếng kèn túi, uống trà một mình trước khi ngồi xuống để đọc thư từ và tài liệu.
Công chúa Margaret có tính cách đối lập với chị gái, Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: @womenshealthmag. |
Ngược lại, em gái bà thức dậy lúc 9h, hút thuốc trên giường, uống rượu vào bữa trưa.
Nữ hoàng đã dành nhiều thập kỷ để tìm hiểu và thảo luận nghệ thuật với hàng nghìn người tại các bữa tiệc ngoài vườn.
Nhưng Công chúa Margaret được biết đến nhiều hơn với những bữa tiệc hoang dã trong nhà, nơi mọi người tự do hát hò, chơi piano, khiêu vũ, nói chuyện phiếm và uống rượu đắt tiền.
"Không vâng lời là niềm vui của tôi", công chúa từng nói với nhà làm phim người Pháp Jean Cocteau.
Với tính cách nổi loạn, Công chúa Margaret nổi tiếng với những câu nhận xét quá mức thẳng thắn.
"Trông bạn không giống ngôi sao điện ảnh", bà nói với Grace Kelly khi họ gặp nhau vào những năm 1950.
Bà nhận xét chiếc nhẫn đính hôn của minh tinh Elizabeth Taylor "thô thiển" và nói với người mẫu Twiggy biệt danh của cô là "không may mắn".
Công chúa cũng phá bỏ nhiều quy tắc hoàng gia và được mệnh danh là "the house guest from hell" (tạm dịch: vị khách đến từ địa ngục).
Bà thường đến muộn trong các bữa tiệc tối, dù hiểu rằng bữa ăn không thể bắt đầu cho đến khi mình tới.
"Bữa tối diễn ra vào lúc 20h30 và 20h30, thợ làm tóc của Công chúa Margaret mới đến, vì vậy chúng tôi đã đợi hàng giờ đồng hồ trong khi ông ấy tạo ra một kiểu tóc gây sốc", tiểu thuyết gia người Anh Nancy Mitford nhớ về một bữa tiệc ở Paris vào năm 1959.
Tình yêu bị ngăn cấm
Sau khi mối tình giữa Vua Edward và Wallis Simpson, người phụ nữ từng 2 lần ly hôn, tạo ra khủng hoảng, Hoàng gia Anh muốn tránh mọi bê bối tình cảm sau đó.
Vì vậy, khi Công chúa Margaret, lúc đó 22 tuổi, tuyên bố mình yêu Peter Townsend, người đàn ông hơn bà 16 tuổi và từng ly hôn, hoàng gia đã tìm mọi cách che đậy mối quan hệ này.
Hầu như không có bất kỳ bức ảnh nào về cặp đôi này tồn tại, và các cận thần cung điện tiếp tục coi Margaret là một công chúa trẻ "độc thân".
Nhưng vào ngày chị gái được tấn phong, hình ảnh Margaret thân mật bên Peter Townsend đã trở thành tâm điểm trên nhiều mặt báo. Chuyện tình của họ không còn là bí mật.
Trong khi Nữ hoàng Elizabeth II yêu cầu cặp đôi cho bà một năm sau khi lên ngôi để ổn định cuộc sống trước khi chấp thuận hôn sự của họ, câu chuyện tình yêu trên các tờ báo lá cải đã khiến các cận thần và những thành viên khác của hoàng gia hoảng sợ.
Hoàng gia Anh sau đó ra lệnh cho Đại úy Townsend chuyển đến Brussels để làm việc tại Đại sứ quán Anh.
Công chúa Margaret đang ở Rhodesia vào thời điểm đó. Khi bà trở về, ông Townsend đã bị điều chuyển.
Công chúa Margaret tuyên bố sẽ từ bỏ Peter Townsend vào năm 1955. Ảnh: Derek Berwin/Fox Photos. |
Ba năm sau, khi ông Townsend trở về, câu hỏi về hôn nhân của Công chúa Margaret lại được đặt ra.
Nữ hoàng, mặc dù lo lắng về sự phản đối của quốc hội và Giáo hội Anh, vẫn hết lòng ủng hộ em gái.
"Nữ hoàng sẽ không muốn cản trở hạnh phúc của em gái mình", Thủ tướng Anthony Eden viết trong một bức thư gửi tới khối thịnh vượng chung.
Nữ hoàng và ông Eden cùng nhau lập ra một kế hoạch để Công chúa Margaret có thể kết hôn với tình yêu của mình trong khi vẫn giữ tước vị hoàng gia và nhận tiền trợ cấp. Công chúa thậm chí có thể tiếp tục các nhiệm vụ của hoàng gia nếu công chúng chấp thuận.
Nhưng kế hoạch không thành, Công chúa Margaret đứng giữa lựa chọn tình yêu và địa vị. Ba ngày sau đó, bà tuyên bố chia tay ông Townsend.
"Cân nhắc đến lời dạy của Giáo hội rằng hôn nhân là bất khả phân ly và ý thức về bổn phận của mình đối với khối thịnh vượng chung, tôi đã quyết định đặt những điều này trước bất kỳ người nào khác", bà nói trong một tuyên bố.
"Tôi rất biết ơn sự quan tâm của tất cả những người đã không ngừng cầu nguyện cho hạnh phúc của tôi".
Bi kịch cuối đời
Khi chia tay, Công chúa Margaret và Peter Townsend đã giao ước không bao giờ kết hôn với bất kỳ ai khác.
Nhưng 4 năm sau, ông Townsend đã cầu hôn một phụ nữ Bỉ kém ông 25 tuổi. Đau lòng khi bị phản bội, công chúa biết đã đến lúc phải tiếp tục cuộc đời mình.
Một năm sau đám cưới của tình cũ, công chúa bước vào Tu viện Westminster với 2.000 khách mời để kết hôn cùng nhiếp ảnh gia Antony Armstrong-Jones.
Ông Armstrong-Jones là thường dân đầu tiên kết hôn với một công chúa trong 400 năm lịch sử hoàng gia. Nữ hoàng đã phong cho em rể của mình danh hiệu Bá tước xứ Snowdon.
"Hoàng gia rất thích Tony. Ông ấy có sức quyến rũ tuyệt vời, rất biết cách cư xử", tác giả Anne de Courcy viết trong tiểu sử về bá tước.
Nhưng mối quan hệ của cặp vợ chồng dần xấu đi.
Vào đầu những năm 1970, cặp đôi mâu thuẫn đến mức bá tước sẽ giấu những tin nhắn thể hiện sự căm ghét trong đồ đạc của Công chúa Margaret.
Công chúa Margaret làm đám cưới với thường dân Antony Armstrong-Jones tháng 5/1960. Ảnh: AP. |
"Ông ấy đã để lại những dòng ghi chú khó chịu trên bàn của công chúa, trong đó có một dòng với tiêu đề '24 Reasons Why I Hate You', khiến bà Margaret đặc biệt khó chịu", nhà viết tiểu sử hoàng gia Craig Brown cho biết.
Khi mối quan hệ với chồng trở nên tồi tệ, Công chúa Margaret, lúc đó 43 tuổi, đã bắt đầu hẹn hò với Roddy Llewellyn, người làm vườn 25 tuổi.
Họ giữ kín chuyện tình cảm trong vài năm, nhưng một tay săn ảnh cuối cùng đã phát hiện ra cặp đôi trên bãi biển ở Mustique.
Ông Llewellyn sau đó nói về mối quan hệ của mình với công chúa: "Tôi không nghĩ đến hậu quả của một cuộc tình như vậy. Tôi chỉ đang làm những gì trái tim mách bảo".
Các tờ báo lá cải của Anh đã rất kinh ngạc trước mối quan hệ giữa một công chúa lớn tuổi đã lập gia đình và người đàn ông mà họ mỉa mai gọi là "boy toy".
Các thành viên của quốc hội thậm chí gọi Công chúa Margaret là "kẻ ăn bám". Nhưng bất chấp sức ép từ chị gái và chính phủ, bà vẫn từ chối chia tay người tình.
Năm 1978, Công chúa Margaret trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên kể từ thời Vua Henry VIII đệ đơn ly hôn.
Công chúa nổi loạn giảm số lần xuất hiện trước công chúng và dành nhiều thời gian hơn ở Mustique với người tình.
Tuy nhiên, cuộc sống ổn định của bà cũng không thể kéo dài. Năm 1981, sau 8 năm bên nhau, Roddy Llewellyn và Margaret chia tay.
Bà dành phần đời còn lại của mình để đi nghỉ cùng bạn bè trên những hòn đảo nhiệt đới và chỉ thỉnh thoảng xuất hiện cùng chị gái.
Trong khi cố nữ hoàng được biết đến với sức khỏe dẻo dai và tuổi thọ cao, Công chúa Margaret yếu dần khi bước vào tuổi 50. Năm 2002, bà qua đời vì đột quỵ.
Tại tang lễ em gái, Nữ hoàng Elizabeth II, được biết đến với tính cách mạnh mẽ khi trải qua nhiều biến cố, đối mặt với chiến tranh, đã lấy khăn tay lau nước mắt. Đó là một trong số những lần hiếm hoi cố nữ hoàng khóc trước công chúng.