Xã hội
Ảnh & Video
Người ép giấy tờ bằng bàn ủi còn sót lại tại Sài Gòn
- Thứ tư, 12/8/2015 10:25 (GMT+7)
- 10:25 12/8/2015
Giữa Sài Gòn hiện đại vẫn còn hai người phụ nữ hành nghề ép dẻo giấy tờ bằng chiếc bàn ủi than cũ kỹ trên vỉa hè tuyến đường trung tâm thành phố.
|
Đi ngang qua góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM), người đi đường thường thấy một người phụ nữ có vẻ ngoài tần tảo, khắc khổ, tay cầm chiếc bàn ủi sắt nóng bốc khói. Đó là bà Lê Thị Huệ (ở đường Cao Thắng, quận 3), làm nghề ép nhựa, bọc giấy đã 30 năm. Kệ hàng của người phụ nữ 55 tuổi thô sơ đặt phía trước hai cửa hàng photocopy, ép plastic với máy móc hiện đại.
|
|
Không bám trụ được với nghề sửa xe máy từ nhỏ, năm 1985, sau khi lấy chồng bà Huệ lân la tìm hiểu và học lỏm nghề ép giấy tờ. Sau khi quen việc, bà mua một chiếc bàn ủi sắt cùng vài tấm bìa nhựa, lò than và bắt đầu kiếm sống. Chiếc bàn ủi đầu tiên bà dùng là loại làm nóng bằng than bên trong nhưng được vài năm thì bị mất. Hiện nay, bà sử dụng chiếc bàn ủi bằng hai tấm sắt nguyên khối nặng gần 5 kg, luôn nóng rực trên lò than từ sáng đến chiều ở góc đường trung tâm Sài Gòn.
|
|
Tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (bên hông nhà thờ Thị Nghè), bà Trương Thị Hồng Nhung (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đã có 31 năm gắn bó với nghề giống bà Huệ. Năm 1984 bà Nhung cùng chồng bắt đầu tới Sài Gòn tìm việc làm. Những ngày đầu, người phụ nữ quê Bình Định theo chồng làm nghề phụ hồ nhưng công việc này quá sức so với sức khỏe nên bà đã chuyển sang nghề ép dẻo giấy tờ tùy thân.
|
|
Bà Nhung dùng chiếc bàn ủi con gà làm nóng bằng than bên trong, là đồ từ thời Pháp thuộc. Bà chia sẻ, lúc vào nghề vốn liếng chỉ có vỏn vẹn một chiếc "cần câu cơm" này cùng với một cây thước và giấy báo.
|
|
Hiện nay, bà Huệ, bà Nhung là hai trong số ít ỏi những người còn làm nghề ép giấy, bọc vở thủ công còn trụ lại tại TP HCM.
|
|
Môt chiếc thước kẻ để căn làm thẳng giấy, đường viền của giấy tờ được tạo thành từ một thanh lò xo gắn phía dưới tấm ván. "Ép các loại giấy tờ chỉ mất 5 phút, thao tác đơn giản nhưng chúng tôi thừa hiểu đó đều là giấy tờ quan trọng, quý giá người ta mới mang đi ép nên phải làm thật cẩn thận, nhất là khi gặp những loại văn tự, giấy tờ quá cũ, bị nếp gấp lâu năm", bà Nhung nói.
|
|
"Một yếu tố quan trong trong nghề ép dẻo thủ công đó là phải cân bằng độ nóng của bàn ủi và phải làm sao cho thật mỹ thuật, đẹp đẽ thì khách mới tìm đến", bà Nhung tâm sự.
|
|
Tấm giấy phép lái xe này được ép bằng bàn ủi vè mặt thẩm mỹ trông không khác với ép bằng công nghệ cao hơn, được khách đánh giá là có độ bền cao. Chi phí là 5.000 đồng/ chiếc, riêng các loại có cỡ to hơn như sổ đỏ, hộ khẩu, sách vở… hai bà lấy khách giá từ 7.000 đến 10.000 đồng.
|
|
"Suốt 31 năm cầm bàn ủi nóng rực để ép, lúc sơ ý bị đụng vào tay cháy xèo da thịt, ngón tay bị phồng đỏ hết. Tối về nó đau rát dữ dội. Nhưng bị mãi rồi cũng quen, chẳng thấy đau nữa”, bà Nhung chia sẻ.
|
|
Mép của ngón cái, ngón trỏ bàn tay hai người phụ nữ đã bị chai sần, hằn lên nhiều vất vả sau những lần bị bàn ủi dính vào. Những ngày mưa, trời trở lạnh, sức nóng của chiếc bàn là than ấy khiến đôi tay như nứt ra đau đớn. |
|
Ông Nguyễn Văn Lợi (58 tuổi, ngụ quận 8), nhân viên bảo vệ ngồi gần kệ hàng của bà Huệ cho biết, mỗi lần mua bảo hiểm xe máy mới ông đều ghé bà Huệ để ép lại cẩn thận. “Khoảng 10 năm trước tôi thấy nhiều người còn làm nghề này. Hiện nay những người theo được nghề ép dẻo thủ công bằng bàn ủi than như bà Huệ không còn nữa”, ông Lợi nhận định.
|
|
Những lúc không có khách, bà Nhung thường ép sẵn một số loại giấy tờ có kích thước cố định như sổ đỏ, hộ khẩu, tập vở... để khi khách tới chỉ cần lồng vào là xong. Người phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần tâm sự, nghề này làm ăn được nhất là khoảng 10 năm về trước. Trung bình một ngày họ có thể kiếm được 150.000 - 200.000 đồng, nhất là mùa hè. Từ khi những chiếc máy ép chạy điện xuất hiện, nhiều tiệm photocopy, ép dẻo mọc lên, máy ép dẻo lưu động khắp Sài Gòn thì nghề ép dẻo bằng bàn là không còn nhiều đất để kiếm ăn.
|
|
Đều đặn mỗi ngày, 7h sáng bà Nhung bắt đầu dọn hàng, ra về lúc 15h chiều. Bà cho biết, cũng muốn sắm chiếc máy ép hiện đại nhưng không có điều kiện. Một phần vì đã quen với dụng cụ này đã vài chục năm nên muốn giữ được cái nghề", bà nói.
|
ép dẻo
bàn ủi
photocopy
Sài Gòn