Ô nhiễm không khí lột tả mức độ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Những tháng cuối đông, đầu xuân luôn là giai đoạn bận rộn đối với bác sĩ phổi Revathy K ở Mumbai, Ấn Độ. Năm nay, mùa cao điểm thậm chí còn rối ren hơn, theo WIRED.
Tháng 11/2022, nhiệt độ đại dương giảm đột ngột, những cơn gió thường thổi bay bụi xây dựng, bụi mịn và khí thải của các phương tiện giao thông trong thành phố cũng biến mất.
Bandra-Worli Sea Link, cây cầu nối trung tâm thành phố với các vùng ngoại ô phía bắc, mất hút sau màn khói bụi dày đặc như sương mù, khi chất lượng không khí của thành phố giảm xuống mức báo động. Mumbai cũng nhanh chóng vượt qua Delhi để trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
"Rất nhiều bệnh nhân đến khám với tình trạng thở khò khè", K nói, điều mà bà thường thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn hoặc rối loạn liên quan đến hút thuốc.
Trong vài tháng, từ tháng 11/2022 đến tháng 1, các bác sĩ ở Mumbai cho biết số ca ho mạn tính và dai dẳng gia tăng cùng với mùa cúm hàng năm.
"Đây là những bệnh nhân chưa từng có bất kỳ triệu chứng dị ứng nào trong quá khứ, nhưng đang có các triệu chứng giống như viêm phế quản cấp tính", bác sĩ K cho biết.
Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ là một thảm họa không có dấu hiệu chấm dứt. Báo cáo năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho thấy rằng “gần như toàn bộ dân số Ấn Độ” đang tiếp xúc với ô nhiễm không khí trên mức cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Năm 2019, ô nhiễm không khí đã giết chết khoảng 1,6 triệu người Ấn Độ.
Khi những nỗ lực khắc phục vấn đề tại nguồn thất bại, một dạng bất bình đẳng mới đang diễn ra ở các thành phố lớn.
Những người giàu có trả tiền để được thở tự do, tạo ra một thị trường bùng nổ máy lọc không khí được dự báo tăng trưởng 35%, lên 597 triệu USD vào năm 2027.
Với phần còn lại của đất nước, nơi 63% người dân tự trả tiền túi cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và 10% dân số giàu nhất nắm giữ 77% tổng tài sản, việc chi tiền mua không khí sạch gần như là điều không thể.
Không nhìn thấy đường chân trời
Suryakant Waghmore, giáo sư xã hội học tại Viện Công nghệ Ấn Độ, nói rằng máy lọc không khí chỉ dành những người có đặc quyền, "còn công chúng bị bỏ mặc trong sự mục nát và suy thoái".
"Chúng ta đang bình thường hóa một thế giới hầu như không coi trọng tự nhiên và các quyền tự nhiên. Những nhu cầu cơ bản như nước uống sạch, không khí trong lành và không bị ô nhiễm, không gian đi bộ chưa bao giờ nằm trong quy hoạch đô thị".
Khi đợt lạnh quét qua Mumbai vào tháng 1, làn khói bụi lơ lửng trong không khí, thỉnh thoảng đọng lại trên lá và chất thành đống ở các góc phố.
Nhiều thành phố ở Ấn Độ đang ô nhiễm không khí trầm trọng. Ảnh: Reuters. |
Timothy Dmello, người dành 12 giờ/ngày ở ngoài trời với công việc dắt chó đi dạo thuê, cho biết anh bắt đầu nhận thấy tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng khi đi trên Carter Road, con đường rợp bóng cọ bên cạnh căn hộ của những ngôi sao Bollywood. Anh kể rằng mình còn không thể nhìn rõ đường chân trời.
Vợ của Dmello đang chạy thận nhân tạo. Anh nhận công việc dắt chó đi dạo vì giờ giấc linh hoạt đồng nghĩa với việc có thể dành nhiều thời gian hơn cho vợ và cô con gái 14 tuổi của họ.
Dmello đã nhìn thấy những chiếc máy lọc không khí trong bệnh viện, nhưng chi phí (mẫu rẻ nhất có giá 6.000 rupee, khoảng 73 USD) nằm ngoài khả năng của gia đình. Giống như hầu hết người quen, Dmello cũng bị ho, cảm lạnh vào mùa đông này và không thể đi làm.
60% trong số gần 1,3 tỷ người của Ấn Độ sống với mức dưới 3,1 USD/ngày, dưới chuẩn nghèo trung bình của Ngân hàng Thế giới. Không tính công nhân nông trại, 18% dân số làm việc ngoài trời.
Số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Ngoài ra, theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2022, ô nhiễm không khí khiến Ấn Độ thiệt hại 150 tỷ USD/năm.
Người giàu chi tiền để có không khí sạch
Năm 2019, khi 102 thành phố ở Ấn Độ không đáp ứng các tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí của đất nước, chính phủ nước này đã khởi động Chương trình Không khí Sạch Quốc gia.
Nhưng chưa đầy 5 năm sau, số lượng thành phố ô nhiễm đã tăng lên 132. Chính sách của chính phủ và tiểu bang đã không thể giải quyết cuộc khủng hoảng chất lượng không khí.
Tại Delhi, kế hoạch "chẵn - lẻ" ra đời vào năm 2016, khi chất lượng không khí giảm đáng kể. Xe cá nhân có biển đăng ký kết thúc bằng số lẻ có thể đi vào ngày lẻ và xe có biển số chẵn lưu thông vào ngày chẵn.
Delhi, cũng như Gurugram gần đó, một trung tâm công nghệ lớn, cũng đã thử các giải pháp công nghệ.
Vào năm 2021, Tòa án Tối cao ra lệnh cho chính quyền Delhi lắp đặt hai “tháp khói” khổng lồ, cao 24 m để lọc các hạt từ không khí, trong khi Gurugram đặt máy lọc không khí ngoài trời.
Vào tháng 2, Mumbai công bố kế hoạch lắp đặt 14 máy lọc không khí ngoài trời trên toàn thành phố.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng những biện pháp này chỉ đưa đến ngõ cụt.
Chuyên gia cho rằng lắp đặt máy lọc không khí ngoài trời là vô ích. Ảnh: Hindustan Times. |
Ronak Sutaria, người sáng lập Respirer Living Science, công ty dữ liệu đô thị theo dõi ô nhiễm không khí, cho biết: "Máy lọc không hoạt động. Tôi nghĩ rằng các nghiên cứu trong cộng đồng khoa học đều cho thấy máy lọc không giải quyết được vấn đề".
Theo Pallav Purohit, học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế ở Áo, máy lọc ngoài trời là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp kiểm soát ô nhiễm khác không thành công.
Ông nói: "Chỉ nên sử dụng máy lọc không khí khi các phương pháp kiểm soát ô nhiễm truyền thống là không đủ. Hầu hết hệ thống lọc không khí ngoài trời đều có nhược điểm là phạm vi bao phủ hạn chế, hiệu quả thấp và chi phí cao".
Purohit nói rằng máy lọc tạo ra những cột không khí sạch rất hẹp, chỉ thực sự mang lại lợi ích cho những người ở gần chúng trong thời gian dài.
Sau cuộc khủng hoảng chất lượng không khí ở Mumbai vào mùa đông này, các nhà phê bình đã cáo buộc Ban kiểm soát ô nhiễm Maharashtra chuyển các cảm biến chất lượng không khí đến những khu vực "sạch hơn" của thành phố.
Trong khi đó, những cư dân giàu có hơn của Ấn Độ đã tự giải quyết vấn đề. Thương hiệu máy lọc không khí đã trở thành chủ đề bàn tán phổ biến của cư dân tầng lớp trung lưu.
Người có đủ khả năng tài chính giờ đây chỉ sống trong những ngôi nhà được lọc không khí (nơi mỗi phòng thường có máy lọc riêng), đến các cửa hàng và trung tâm mua sắm có máy lọc và lái những chiếc ôtô được trang bị hệ thống làm sạch không khí.
Các thương hiệu máy lọc sử dụng ngôi sao cricket và những người nổi tiếng Bollywood để quảng cáo sản phẩm trên báo chí, mạng xã hội.
Deekshith Vara Prasad, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty lọc không khí AirOK Technologies do Ấn Độ sản xuất, cho biết doanh số bán hàng của công ty ông đã tăng 18% kể từ năm 2018.
Prasad nói rằng nhu cầu tăng cao đã dẫn đến sự tràn lan của các sản phẩm kém chất lượng trên thị trường. Để hoạt động hiệu quả trong không khí ở các thành phố của Ấn Độ, máy lọc cần loại bỏ hạt vật chất mịn, nấm, vi khuẩn, vi rút và các khí độc.
Các khách sạn cũng quảng cáo về "không gian riêng tư", nơi được trang bị nhiều máy lọc và đảm bảo tách biệt với sự ô nhiễm bên ngoài.
Waghmore nói rằng cách phân chia này một lần nữa nhấn mạnh sự bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội Ấn Độ và máy lọc không khí chỉ củng cố quan niệm rằng tầng lớp giàu có là "trung tâm của vũ trụ".
Sự bất bình đẳng này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, vì các tầng lớp yếu thế đã phải đối mặt với rào cản đáng kể trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Waghmore nói rằng ý thức cao về chủ nghĩa đặc quyền cá nhân "gây hậu quả tồi tệ nhất ở các nước nghèo, nơi cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng chưa được đầu tư đủ để chống lại sự xuống cấp của môi trường".
K, bác sĩ thường xuyên điều trị cho những người chịu đựng sự bất bình đẳng về ô nhiễm không khí ở Ấn Độ, nói một cách ngắn gọn: "Tôi không nghĩ mọi người nên sống chung với điều này. Nếu bạn không có được thứ cơ bản như không khí trong lành, thì cuộc sống ở đây chẳng còn ý nghĩa gì nữa".
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.