Ở Hàn Quốc ngày nay, những thủ phạm bạo lực học đường là kẻ thù số một của công chúng.
Trên màn ảnh nhỏ, khán giả mê mẩn những bộ phim có nội dung về kế hoạch trả thù của nạn nhân từng bị bắt nạt hồi trung học.
Trong chính trị ngoài đời thực, ông Chung Sun Sin, người được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Văn phòng Điều tra Quốc gia thuộc lực lượng cảnh sát Hàn Quốc hồi cuối tháng 2, đã phải xin từ chức sau khi thông tin con trai ông có hành vi bạo lực bằng lời nói với bạn bè trong suốt 8 tháng được tiết lộ.
Trước đó, ngành truyền hình và thể thao xứ kim chi cũng chứng kiến làn sóng vạch trần hành vi lạm dụng, bắt nạt trong quá khứ của các ngôi sao.
Theo Korea Herald, có nhiều lý do giải thích sự tức giận của người Hàn Quốc dành cho những kẻ bạo lực học đường.
Công lý bị trì hoãn
Trước đây, khi nhận thức về bạo lực học đường còn thấp, công lý thường không được thực thi trong các vụ bắt nạt.
Koo Jeong Woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, cho biết mọi người phản ứng đặc biệt mạnh mẽ khi “thủ phạm đang trên con đường thành công, trong khi nạn nhân phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng từ quá khứ”.
“Nạn nhân của các vụ bắt nạt học đường trước đây bị tổn thương một lần nữa khi thấy những kẻ bắt nạt mình trên tivi, đặc biệt là những kẻ chưa từng bị trừng phạt hoặc đưa ra lời xin lỗi chân thành về hành vi sai trái của mình", ông nói.
Theo Đạo luật Phòng ngừa và Đối phó Bạo lực trong trường học Hàn Quốc, những kẻ bắt nạt có thể bị buộc phải viết thư xin lỗi nạn nhân, bị cấm liên lạc, đe dọa hoặc trả thù nạn nhân và phải chuyển lớp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thủ phạm có thể bị đình chỉ hoặc đuổi học.
Trong nhiều vụ, việc xử phạt thủ phạm bạo lực học đường ở Hàn Quốc chưa thỏa đáng. |
Tuy nhiên, theo Choi Woo Sung, giám đốc Viện Nghiên cứu Phòng chống Bạo lực Học đường Hàn Quốc, việc thiếu cơ quan pháp lý chủ trì các thủ tục kỷ luật thường dẫn đến việc xử phạt bị chậm trễ.
“Nhiều kẻ bắt nạt và người giám hộ cố gắng trốn tránh sự trừng phạt từ các ủy ban phòng chống bạo lực học đường bằng cách phản đối quyết định của ủy ban thông qua các thủ tục pháp lý, chủ yếu để ngăn hành vi bạo lực bị ghi vào học bạ”, Choi nói.
Có thể thấy điều này qua cách ông Chung Sun Sin phản ứng trong vụ việc của con trai.
Khi nhà trường quyết định chuyển con trai Chung sang một trường khác, ông đã vận dụng chuyên môn pháp lý của mình để phản đối quyết định này. Ông đệ đơn kiện hành chính và đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Hàn Quốc. Cuối cùng, tòa án đứng về phía nhà trường và con trai Chung phải chuyển trường. Tuy nhiên khi đó, nạn nhân bị bắt nạt cũng đã nghỉ học.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số lượng đơn kháng cáo hành chính do những kẻ bạo lực học đường đệ trình nhằm chống lại các quyết định kỷ luật đã tăng từ 587 vào năm 2020, 932 vào năm 2021 lên 1.133 vào năm 2022.
Ký ức chung của nhiều người
Shin Tae Seob, giáo sư giáo dục tại Đại học nữ Ewha, có lời giải thích cụ thể hơn về việc người Hàn Quốc căm phẫn những kẻ bạo lực học đường. Ông chỉ ra rằng bắt nạt vẫn là điều phổ biến ở trường học xứ củ sâm cho đến những năm gần đây.
"Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng, ăn sâu ở Hàn Quốc, kéo dài qua nhiều thế hệ. Nhiều người Hàn ở độ tuổi 30, 40, 50 và 60 từng trải qua môi trường giáo dục nơi hình phạt thể xác là điều được chấp nhận và tràn lan", giáo sư nói.
Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối ở Hàn Quốc. |
"Nhận thức công chúng về mức độ nghiêm trọng của bạo lực giữa học sinh cũng còn thấp, nhiều giáo viên và phụ huynh coi việc bắt nạt chỉ đơn thuần là những trận đánh nhau nhỏ giữa bạn bè".
Luật về bạo lực học đường ở Hàn Quốc được ban hành lần đầu vào năm 2004. Năm 2012, luật sửa đổi đã đưa ra một bộ hướng dẫn xử lý những vụ việc tương tự. Trừng phạt thân thể bị cấm hoàn toàn vào năm 2011.
“Việc xem tin tức về trẻ em bị bạo lực học đường có thể khơi dậy những ký ức đau thương trong quá khứ của nhiều người lớn, dẫn đến sự phẫn nộ mạnh mẽ trong công chúng", ông Shin nói thêm.
Tổn thương kéo dài
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc bị bạo lực học đường khi còn nhỏ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng suốt đời cho nạn nhân cả về thể xác và tinh thần.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một nửa trong số 353 nạn nhân bạo lực học đường, tuổi từ 20 đến 27, từng nghĩ đến việc tự tử, 13% đã thực sự có ý định tự tử. Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9/2020 bởi một nhóm các chuyên gia giáo dục từ Đại học Quốc gia Sunchon và Đại học Yuhan.
Khảo sát cho thấy những sinh viên từng bị bắt nạt có nguy cơ nghĩ đến việc tự tử cao gấp 2 lần và có nhiều triệu chứng như chóng mặt, đau ngực không rõ lý do hơn.
Nạn nhân bạo lực học đường phải chịu tổn thương kéo dài. |
Một số chuyên gia cho rằng lạm dụng bằng lời nói có thể khiến học sinh dễ bị rối loạn tâm lý hơn khi lớn lên.
"Những đứa trẻ bị lạm dụng bằng lời nói nhiều lần khi còn nhỏ có kết nối yếu hơn ở hai vùng não, hồi hải mã (hippocampus) và hạch hạnh nhân (amygdala), có chức năng ghi nhớ thông tin và xử lý cảm xúc. Sự thay đổi ở những vùng quan trọng của não làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần", Ko Min Soo, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Hàn Quốc, nói.
Trả thù
Theo giáo sư Koo, đối với những nạn nhân chứng kiến kẻ bắt nạt mình thoát tội, sự lên án của công chúng có thể được coi là "phương sách cuối cùng" để đạt được công lý.
"Nhiều người nổi tiếng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cáo buộc bạo lực học đường xuất hiện trên các trang cộng đồng, mạng xã hội. Bằng cách lợi dụng tính lan truyền trên Internet, các nạn nhân cố gắng đưa những kẻ tấn công ra trước tòa án công luận", ông nhận định.
Theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện với 65 bác sĩ tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học đường Hàn Quốc, một nhóm bác sĩ chuyên về các vấn đề sức khỏe tâm thần, 78,5% nói từng điều trị cho các nạn nhân của bạo lực học đường. Họ cho biết gần 90% nạn nhân nghĩ đến việc trả thù những kẻ bắt nạt, gần một nửa thậm chí lên kế hoạch cụ thể.
"Câu chuyện của các nạn nhân gây được tiếng vang với nhiều người, dẫn đến sự phẫn nộ tập thể đối với bạo lực học đường vì đây là vấn đề công bằng và công lý xã hội, những giá trị được xã hội chúng ta đề cao", giáo sư Koo nói.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.