Với nhiều ông bố bà mẹ trẻ ở xứ củ sâm đang có kế hoạch sinh con, giới tính của em bé là điều khá được quan tâm.
Nhiều người cho rằng nhà có 2 bé gái là lý tưởng nhất, còn những gia đình sinh một nam, một nữ được xếp hạng 2. Trong khi đó, vị trí cuối cùng dành cho các cặp vợ chồng chỉ có 2 con trai.
Kim Yeon-ju (30 tuổi), nhân viên văn phòng tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên.
“Tôi thấy rõ xu hướng ưu tiên con gái hơn con trai, đặc biệt là ở những gia đình trẻ. Các bậc phụ huynh truyền tai nhau rằng con trai khi lớn lên trở nên xa cách như những người xa lạ. Chúng dọn ra ở riêng sau khi kết hôn, có gia đình nhỏ và hầu như rất ít chia sẻ, tâm sự với cha mẹ”, Kim nói với Korea Times.
Ngày nay, quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã dần được thay đổi. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hankook Research với 1.000 người, 55% cho biết "phải có con gái", chỉ có 31% trả lời “sinh con trai là đủ”.
Ngoài ra, 70% đôi vợ chồng, đặc biệt là những người trên 60 tuổi, ưu ái bé gái hơn bé trai. Trong khi chiều hướng ngược lại ghi nhận tỷ lệ 43%.
Nhiều gia đình trẻ ở Hàn muốn sinh con gái để có người chăm sóc lúc về già. Ảnh: Korea Times. |
Xã hội gia trưởng
Tuy nhiên, tư tưởng Nho giáo, vốn coi nam giới có vai trò quan trọng hơn phụ nữ trong xã hội, vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc. Trong hàng thế kỷ, một hệ thống tôn ti trật tự đã tồn tại dựa trên tuổi tác và giới tính, trong đó nam giới nắm giữ các vị trí quyền lực.
Các bà mẹ có con gái được khuyến khích và thậm chí bị đe dọa phải sinh thêm người nối dõi cho gia đình, dòng họ.
“Địa vị phụ nữ Hàn Quốc vẫn giậm chân tại chỗ trong thế kỷ 21. Nhiều người bị đối xử như công dân hạng 2, hứng chịu bạo lực, sự coi thường và phân biệt đối xử phi lý”, Koo Se Woong, trưởng ban biên tập của Korea Expose - một tạp chí online chuyên về bán đảo Triều Tiên, viết trên New York Times.
Khi những người đàn ông không chịu thừa nhận xứ kim chi là xã hội "gia trưởng thâm căn cố đế", các thành viên nữ trong gia đình chỉ có thể đảm nhận một phần nghĩa vụ hạn chế trong việc thừa kế tài sản, nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ.
Hàn Quốc là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, nhưng vấn đề bình đẳng giới lại hoàn toàn trái ngược.
Hàn Quốc đang tìm cách đảo ngược sở thích sinh con trai và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ảnh: New York Times. |
Đây cũng là nơi có chênh lệch mức lương giữa hai giới lớn nhất trong các nước phát triển, và đứng thứ 118 trong bảng xếp hạng 144 nước về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thấp nhất trong nhóm G-20, theo AP.
Phụ nữ chỉ chiếm 2,3% giới lãnh đạo trong 500 công ty lớn nhất Hàn Quốc năm 2015.
Trước vấn đề này, xứ kim chi đã tìm cách đẩy lùi sở thích đó và trở thành "quốc gia châu Á đầu tiên đảo ngược xu hướng tăng tỷ số giới tính khi sinh", theo một tài liệu nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới từ năm 2007.
Tỷ lệ giới tính khi sinh của nước này lần đầu tiên đạt ngưỡng tự nhiên, 103 đến 107 bé trai/100 bé gái vào năm 2007, trong khi con số mới nhất từ năm 2020 là 104,8/100.
Thay đổi cán cân nam và nữ
Sự ưa thích với trẻ em gái cũng là điều đáng chú ý trong lĩnh vực nhận con nuôi. Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết 65,4% trong số 260 trẻ em được nhận nuôi trong nước vào năm 2020 là nữ.
“Hàn Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên mà còn là nơi duy nhất trên thế giới chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng đối với việc chuộng con trai. Xu hướng này là do sự thay đổi chức năng hiếu thảo từ nam sang nữ.
Thế hệ trước đã thay đổi suy nghĩ và coi trọng cuộc sống của họ trước khi chết hơn là tương lai của gia đình. Nói cách khác, nam giới không còn được hưởng đặc quyền như trước đây”, Cho Young-tae, giáo sư tại Đại học Y tế Công cộng (ĐH Quốc gia Seoul), chuyên về nhân khẩu học, nhận định.
Mặt khác, các cặp vợ chồng đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc sinh con gái và có thể dựa dẫm vào chúng khi đến tuổi xế chiều.
Qua kinh nghiệm của họ, nhóm này cũng có xu hướng kết nối tình cảm tốt hơn và chăm sóc cha mẹ chu đáo trong những năm cuối đời.
So với thời xưa, địa vị của phụ nữ ở Hàn Quốc đã được cải thiện đáng kể khi vai trò của nam giới dần được thay thế. Họ ít bị chồng chi phối hơn trước và gia đình nhà nội cũng không còn gây áp lực khi phải sinh con trai.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc không còn đặt nặng về chuyện sinh con trai để nối dõi. Ảnh: The World. |
“Những cô gái sống qua thời kỳ chuộng bé trai trong những năm 1980-1990 giờ đã trưởng thành và trở thành mẹ. Họ không còn đặt nặng vấn đề phải sinh con nối dõi”, Cho nói thêm.
Một tài liệu nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) về sự chênh lệch giới tính trên thị trường lao động Hàn Quốc được công bố vào tháng 7 nêu rõ khoảng cách trong nhân viên nữ đã kết hôn và sinh con.
Báo cáo chỉ ra mối liên hệ giữa thị trường lao động và các mô hình sinh đẻ, trong đó nhiều phụ nữ không trở lại văn phòng sau khi nghỉ thai sản. Trong khi đó, những người chưa lập gia đình và không có con có xu hướng làm việc nhiều hơn hoặc ít hơn nam giới.
“So với trước đây, suy nghĩ về bình đẳng giới đã trở nên phổ biến hơn và ảnh hưởng đến sự suy giảm sở thích với con trai. Thế nhưng, điều này cũng có thể tạo ra một hình thức phân biệt giới tính khác”, Lee Joo-hee, giáo sư xã hội học tại Đại học Ewha Womans, chia sẻ.