Thời gian gần đây, nhiều video xem bói qua hình thức bổ cau của cô đồng tên T.H. (ở Hải Dương) được lan truyền trên mạng xã hội. Những hình ảnh này cho thấy có rất nhiều người đến xem bói của người phụ nữ này. Thậm chí, có những người phải chờ 4-5 ngày mới tới lượt.
Các đoạn video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem dù những câu nói của người phụ nữ này khá chung chung. Sau mỗi câu hỏi, người này thường nói kèm "đúng nhận, sai cãi".
Nhiều người xem cho rằng đây là biểu hiện của mê tín dị đoan và lo ngại rằng việc lan truyền mê tín dị đoan trên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Vậy theo quy định hiện hành, hành vi hành nghề mê tín dị đoan bị xử lý ra sao?
Luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn luật sư TP Hà Nội
Hành nghề mê tín, dị đoan là hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác. Người mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh… không có cơ sở khoa học. Xem bói được xem là hành nghề mê tín, dị đoan, là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm xảy ra.
Nếu hành vi bói toán gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong dư luận, đưa thông tin sai sự thật... nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, nếu việc bói toán làm nạn nhân hoang mang, lo sợ dẫn đến hậu quả tự tử, thiệt mạng… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nếu hành vi của người hành nghề mê tín dị đoan chỉ lợi dụng hoạt động xem bói để tạo hiệu ứng dư luận, tạo sự nổi tiếng cho bản thân, không có động cơ chiếm đoạt tài sản thì hành vi này tùy tính chất, mức độ, sẽ xem xét xử lý hành chính. Theo điểm đ, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với người hoạt động mê tín dị đoan, hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có mức phạt 15-20 triệu đồng.
Trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh, đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, cổ xúy các hủ tục mê tín dị đoan, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong dư luận, trong nhân dân lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 10-20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Nếu hành vi hành nghề mê tín dị đoan dẫn đến làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, thì hình phạt là 3-10 năm tù.
Nếu việc bói toán gây hậu quả thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, người hành nghề mê tín dị đoan phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…