Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người hùng trong phiên tòa xử vụ chồng rủ 80 người lạ cưỡng hiếp vợ

Gisèle Pelicot từ chối giấu tên để công khai phiên tòa xét xử chồng cũ và hàng chục người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp mình. Sự đĩnh đạc, can đảm đó biến bà thành biểu tượng.

Bà Pelicot ngẩng cao đầu khi đến phiên tòa xét xử chồng cũ và hàng chục người đàn ông khác.

Mỗi buổi sáng, khi Gisèle Pelicot đến tòa án, hàng chục người ủng hộ, chủ yếu là phụ nữ, đã có mặt ở đó chờ đợi bà. Khi bà rời đi mỗi đêm, họ xếp hàng dọc đường để vỗ tay và cổ vũ.

Nhiều người gọi bà bằng tên "Gisèle" như thể rất thân quen, mặc dù chẳng ai biết nhau về mặt quan hệ cá nhân. Những người này dường như nhìn thấy chính mình, mẹ hay bà của mình trong hình ảnh người phụ nữ 71 tuổi. Họ đến tòa án ở thành phố Avignon miền Nam nước Pháp và chờ đợi hàng giờ để ủng hộ bà Pelicot.

Catherine Armand (62 tuổi) đã đến một giờ rưỡi trước phiên xử gần đây để là người đầu tiên xếp hàng vào căn phòng xử án, nơi mà phiên tòa đang được phát sóng.

"Tôi ngưỡng mộ người phụ nữ này. Bà ấy thật đặc biệt", Armand nói.

Mở toang cánh cửa địa ngục

Trong ba tuần kể từ phiên tòa hiếp dâm chống lại chồng cũ và 50 bị cáo khác bắt đầu, bà Pelicot đã trở thành một người hùng nữ quyền ở Pháp. Khuôn mặt của bà, được bao quanh bởi cặp kính râm màu nâu và mái tóc bob kiểu Anna Wintour, xuất hiện trên các bản tin truyền hình hàng đêm, trên trang nhất của các tờ báo, những bức tường bị vẽ bậy và các biển hiệu được người biểu tình treo trên khắp đất nước.

Các nhà hoạt động và nhà văn vì quyền phụ nữ đã viết những bức thư ngỏ gửi tới bà và được đăng lên báo, đọc trên đài phát thanh.

Tất cả ca ngợi lòng dũng cảm, sức mạnh, phẩm giá của bà Pelicot khi đối mặt với tội ác kinh hoàng. Họ cũng ca ngợi quyết định "mở toang cánh cửa địa ngục" của bà Pelicot và nhấn mạnh rằng phiên tòa phải được xét xử công khai thay vì diễn ra sau những cánh cửa đóng kín. Nhiều nạn nhân cảm thấy bà nói thay lời mình.

Hélène Devynck, nhà báo và tác giả, đã viết: "Không chỉ riêng bạn, Gisèle, bị họ đối xử như một đồ vật. Sức mạnh của bạn đã trả lại cho chúng tôi sức mạnh vốn có. Cảm ơn bạn vì món quà to lớn này".

hiep dam tap the anh 1

Những người ủng hộ bà Pelicot bên ngoài tòa án Avignon giơ biểu ngữ đòi công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục.

Bà Pelicot là trung tâm của phiên tòa xét xử tội hiếp dâm quan trọng nhất mà nước Pháp từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ. Người chồng 50 năm của bà, Dominique Pelicot, đã nhận tội bỏ thuốc vào thức ăn, đồ uống của vợ trong gần một thập kỷ. Sau đó, ông ta mời những người đàn ông vào phòng ngủ của họ để cùng mình cưỡng hiếp bà Pelicot trong khi bà đang bị đánh thuốc mê.

Dominique Pelicot và hầu hết người đàn ông khác bị xét xử đều bị buộc tội cưỡng hiếp bà Pelicot trong tình trạng nghiêm trọng.

Hơn chục người đàn ông đã nhận tội. Phần lớn những người còn lại không phủ nhận việc họ có quan hệ tình dục với bà Pelicot nhưng cho biết họ không nghĩ đó là hành vi hiếp dâm. Thay vào đó, những người này nói rằng họ đã bị chồng bà lừa, tưởng đó là quan hệ ba người vui vẻ hay nghĩ người phụ nữ chỉ giả vờ ngủ.

Trước khi chồng bị bắt, bà Pelicot có cuộc sống bình lặng: giám đốc đã nghỉ hưu của công ty lớn, mẹ của ba đứa con và bà ngoại của 7 đứa cháu đã cùng chồng chuyển đến thị trấn nhỏ ở Provence để tận hưởng cuộc sống.

Giờ đây, bà đến tòa án mỗi ngày, ăn mặc thật chỉn chu và luôn tâm niệm rằng chính thủ phạm mới phải xấu hổ, chứ không phải nạn nhân.

Bà ngẩng cao đầu, lướt qua các bị cáo đang ngồi ở nhiều băng ghế trong phòng. Họ ở độ tuổi 26-74. Họ gầy, mập, có râu, mặt nhẵn. Nhiều người đã kết hôn và có con. Họ làm tài xế xe tải, công nhân xây dựng, thương nhân, nhân viên bán hàng. Trong số đó có một nhà báo, một y tá, một cai ngục và một chuyên gia công nghệ.

Bằng cách lựa chọn xét xử công khai, bà Pelicot đã mở ra cái nhìn không chỉ về cuộc đời đang suy sụp của chính mình và quy trình pháp lý xung quanh vụ cưỡng hiếp, mà còn về những hồ sơ thông thường, trần tục của những người đàn ông bị buộc tội. Và nhiều phụ nữ cho rằng bà đang giúp chỉnh sửa lại "huyền thoại về những kẻ hiếp dâm quái vật".

"Bạn của gia đình, người lạ ở quán bar hay trên đường, anh trai hay anh họ, bạn bè, đồng nghiệp, giáo sư, hàng xóm.... tất cả phụ nữ đều có thể buồn bã tìm thấy một khuôn mặt khiến họ nhớ lại ký ức đau thương giữa vô số bị cáo", một bức thư ngỏ được xuất bản trên tờ nhật báo Libération của Pháp với chữ ký của hơn 260 nghệ sĩ, nhà văn, chính trị gia, nhà hoạt động và nhà sử học - chủ yếu là phụ nữ - viết.

Tiêu chuẩn kép

Hơn 40 luật sư bào chữa bị cáo lấp đầy căn phòng trong bộ áo choàng đen. Tuần trước, nhiều người bắt đầu chất vấn bà Pelicot, nghi ngờ rằng tuyên bố "hoàn toàn bất tỉnh và không biết gì" của bà. Nhóm cố gắng phá hỏng uy tín của nạn nhân khi nhấn mạnh bà Pelicot "là một người thích quan hệ tình dục với chồng".

Theo yêu cầu của nhóm luật sự này, hai loạt ảnh - tổng cộng 27 bức, được chọn trong số 20.000 bức ảnh và video mà cảnh sát tìm thấy trên thiết bị điện tử của Dominique Pelicot - được chiếu lên màn hình tại tòa trong khi khán giả cảm thấy khó chịu.

Hầu hết đều cho thấy các bộ phận cơ thể kín đáo của phụ nữ, đôi khi có một món đồ chơi tình dục. Một số cho thấy khuôn mặt của bà Pelicot với đôi mắt mở to.

"Nếu đây là một nỗ lực nhằm gài bẫy tôi thì thật khó có thể chịu đựng được. Anh đang tìm kiếm điều gì trong căn phòng này để khiến tôi trông có vẻ tội lỗi?", bà Pelicot nói giữa phiên tòa.

hiep dam tap the anh 2

Một bức tranh tường mô tả bà Pelicot và cụm từ "Vì vậy, sự xấu hổ sẽ đổi chiều" ở Gentilly, gần Paris.

Câu hỏi của một luật sư gây náo động phòng xử án: "Bà có khuynh hướng bí mật thích phô dâm không?". Một luật sư khác gợi ý: "Những bức ảnh này rất rõ ràng. Không phải tất cả phụ nữ đều chấp nhận kiểu chụp ảnh này, ngay cả với một người chồng yêu thương mình".

Nhóm ngụ ý rằng những người đàn ông nhận được các bức ảnh kiểu này có thể dễ dàng bị đánh lừa rằng bà Pelicot muốn quan hệ tình dục với họ.

Bà Pelicot sau đó trả lời: "Nếu một người đàn ông đến quan hệ với tôi, đầu tiên anh ta phải xin phép tôi".

Lần đầu tiên trong phiên tòa, bà Pelicot có vẻ mất bình tĩnh. "Tôi thấy điều đó thật xúc phạm. Và tôi đã hiểu tại sao nạn nhân bị hiếp dâm không dám buộc tội thủ phạm", bà nói.

Chiến lược bào chữa như trên là điển hình trong các phiên tòa xét xử tội phạm hiếp dâm, các chuyên gia cho biết. Nhưng bây giờ chúng đang được phát sóng trực tiếp khiến công chúng bị sốc nặng

Nhiều phụ nữ nói rằng bà Pelicot đã đưa ra một cuộc biểu tình công khai và dũng cảm về cách các nạn nhân bị đối xử.

Audrey Darsonville, giáo sư luật hình sự tại Đại học Nanterre (Pháp), cho biết: "Đó là chướng ngại vật đối với nạn nhân. Toàn bộ cuộc sống của họ bị xem xét kỹ lưỡng, bắt đầu từ việc cảnh sát hỏi họ ăn mặc như thế nào, xu hướng tính dục của họ là gì... Tất cả câu hỏi này không liên quan gì đến bạo lực cưỡng hiếp".

Giáo sư Darsonville nói thêm: "Với tất cả những gì bà Pelicot đại diện - một người phụ nữ của gia đình, một người bà - bà ấy vẫn bị các luật sư bào chữa ngược đãi cực kỳ nghiêm trọng. Bạn có thể tưởng tượng nếu bà ấy là một phụ nữ trẻ đã uống rượu thì mọi chuyện còn tệ đến mức nào không?".

Chính những luật sư phơi bày các bức ảnh của bà Pelicot sau đó đã phản đối việc chiếu đoạn phim nạn nhân bị cưỡng hiếp trong tình trạng mê man. Nhóm này nói rằng điều đó sẽ "xúc phạm phẩm giá của những người đàn ông có liên quan". Các công tố viên lập luận rằng những đoạn clip đã được chỉnh sửa là bằng chứng quan trọng trong vụ tấn công tình dục. Cuối cùng, chánh án đã ra phán quyết rằng các đoạn clip sẽ không được chiếu công khai vì tính chất "không đứng đắn và gây sốc" của chúng.

Christelle Taraud, nhà sử học về nữ quyền ở Paris, người đã biên tập cuốn sách Femicides: A World History, nói rằng điều đó đã bộc lộ một tiêu chuẩn kép. "Chỉ có danh tiếng của đàn ông mới được tính đến. Việc đảo ngược trách nhiệm, biến nạn nhân thành có tội và kẻ có tội thành nạn nhân là chuyện thường xuyên xảy ra trong các phiên tòa xét xử tội hiếp dâm", bà Taraud nói.

Phiên tòa đã truyền cảm hứng cho việc tự vấn lương tâm về bạo lực trên cơ sở giới ở Pháp. Một số đàn ông đã bắt đầu nói về "văn hóa hiếp dâm" và "nam tính độc hại".

Bà Taraud cho rằng điều đó cho thấy sự thay đổi. "Chúng tôi đang chứng kiến ​​​​một nhận thức khó khăn, nghịch lý, mơ hồ, nhưng dù sao thì nhận thức cũng đã có ở một bộ phận nam giới Pháp", bà nói.

Các bị cáo dự kiến xuất hiện tại các phiên xét xử theo nhóm 6-7 người/tuần. Với quá trình này, bà Pelicot sẽ buộc phải tiếp tục bước ra tòa án và ngồi giữa những kẻ đã lạm dụng mình trong nhiều tuần tới.

Océane Guichardon (20 tuổi, sinh viên) đứng chờ để vỗ tay cho bà Pelicot tại phiên tòa mới đây. "Chúng tôi đến để hỗ trợ bà ấy - đó thực sự là sự đoàn kết của phụ nữ. Gisèle rất dũng cảm. Chúng tôi luôn thấy bà ngẩng cao đầu khi rời khỏi tòa án".

Vụ án Diddy và lời kêu cứu tuyệt vọng suốt 20 năm

Cáo buộc chống lại Diddy đã xuất hiện từ năm 2004, nhưng lời kêu cứu của những ngôi sao nữ đã bị công chúng, Hollywood và cả ngành giải trí ngó lơ trong gần hai thập kỷ.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Ảnh: The New York Times

Bạn có thể quan tâm