Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người hút thuốc có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người hút thuốc lá dễ bị mắc Covid-19. Đặc biệt, người hút thuốc nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao.

Đây là thông tin được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, cho biết tại cuộc gặp mặt báo chí nhân ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 do quỹ này tổ chức.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Theo báo cáo của Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc. WHO cũng khẳng định hiện không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc.

Ngoài ra, WHO khuyến cáo hút thuốc lá, cũng như hút thuốc lá thụ động, làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần. Đồng thời, người hút thuốc mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong cao hơn.

Điều này là do Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi mắc Covid-19.

Nguoi hut thuoc la de mac Covid-19 anh 1

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc Covid-19 và tử vong do căn bệnh này cao hơn. Ảnh: Ncdalliance.

Tại Việt Nam, theo kết quả "Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019", tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (trong 30 ngày qua, có ít nhất 1 ngày sử dụng thuốc lá điện tử) ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%.

Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh rất đáng quan ngại.

Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Kết quả điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%.

Tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện "Luật Phòng chống tác hại thuốc lá" của 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên là 42,3%, so với điều tra năm 2015 là 45,3%. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm so với năm 2015 (2,5-12%) như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Vì vậy, để hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 với chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá", ông Lương Ngọc Khuê kêu gọi những người chưa hút thì không hút thuốc lá, những người đang hút hãy bỏ thuốc.

Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà mọi người có thể làm cho sức khỏe của chính mình và người thân, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay.

Tôi cần làm gì để bảo vệ con khỏi lây nhiễm nCoV?

Việt Nam đã ghi nhận nhiều trẻ em bị mắc Covid-19, mới đây là bé 18 tháng tuổi ở TP.HCM. Vậy cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con khỏi nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2?

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm