Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người khen kẻ chê vì chiêu quảng cáo trong phim Hàn

Lợi nhuận từ quảng cáo trong phim khiến không ít nhà đài “mờ mắt”, nhưng cũng có những bộ phim xử lý khéo léo vấn đề này.

PPL (Product Placement- đặt sản phẩm trong phim) là hình thức quảng cáo mà sản phẩm, logo của nhãn hàng được cài đặt trên màn ảnh. PPL được Hàn Quốc hợp pháp hóa từ năm 2010. Trong 5 năm qua, số lượng PPL tăng gấp đôi, đặc biệt qua phim truyền hình.

Theo một thống kê mới đây, lợi nhuận PPL của 2 đài MBCKBS tăng tới 16 lần, từ 1,73 tỷ won năm 2010 tới 29,23 tỷ won năm 2015.

Cái gai trong mắt khán giả

Mặc dù đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà đài nhưng PPL trở thành nỗi khó chịu bực bội trong mắt khán giả. Ngày càng nhiều những lời chỉ trích, than phiền của người xem vì tình trạng quảng cáo lộ liễu trong phim.

Hình ảnh, logo sản phẩm xuất hiện không phù hợp hay liên quan đến bối cảnh, nội dung phim khiến khán giả mất tập trung khi theo dõi, đồng thời khiến họ có cảm giác như đang xem quảng cáo.

nan quang cao tren man anh Han anh 1
Song Joong Ki uống nước sâm trong Hậu duệ mặt trời. Ảnh từ clip

Bộ phim Hậu duệ mặt trời là một ví dụ điển hình. Là tác phẩm được hoàn thiện trước khi lên sóng nên chi phí làm phim là yếu tố quan trọng. Hậu duệ mặt trời tràn ngập nhiều nhãn hiệu sản phẩm tới mức bị cho là quảng cáo tràn lan. Những cảnh quay như Song Joong Ki uống nước sâm, Song Hye Kyo tô son, tài tử Jin Goo lái xe hơi đời mới, … bị người xem chế giễu mang mục đích tiếp thị rõ rệt.

Đổi lại những lời than phiền là doanh thu của nhãn hàng tăng vọt, còn nhà đài KBS thu về tới 300 triệu won lợi nhuận quảng cáo.

nan quang cao tren man anh Han anh 2
Cảnh quay được cho là quảng cáo thương hiệu dầu gội của Park Shin Hye trong Doctors. Ảnh: SBS

 Tác phẩm y khoa gần đây là Doctors cũng bị chê bai tơi bời vì “thảm họa PPL”. Cảnh quay nữ chính Park Shin Hye mỉm cười mãn nguyện trong lúc gội đầu, cùng bạn diễn Lee Seong Kyung trang điểm bị người xem nhận xét là chỉ mang tính chất quảng cáo nhãn hàng. Ở nhiều cảnh quay khác, camera soi sát tới thương hiệu gà rán, bánh gạo cũng gây bực bội cho người xem.

Tờ Heraldcorp bình luận, ngày nay khán giả nhạy cảm với quảng cáo trên phim là vì nhà đài áp dụng quá trơ trẽn, họ dễ nhận ra mục đích tiếp thị. Thay vì là đạo cụ cho cảnh quay, những sản phẩm trên dần trở thành “bạn diễn” không thể thiếu với diễn viên – các đại sứ thương hiệu.

Cách xử trí khôn khéo

Gần đây, đài truyền hình cáp tvN lên sóng bộ phim mới The Good Wife nhận được nhiều phản ứng tích cực của người xem về PPL. Không chỉ mang nội dung hấp dẫn, nhà làm phim The Good Wife còn có cách xử lý quảng cáo khéo léo.

nan quang cao tren man anh Han anh 3
Nana trong The Good Wife. Ảnh: tvN

 

Ở cảnh quay nữ diễn viên Nana liên tục cầm cốc cà phê được thực hiện khá tự nhiên, thương hiệu sản phẩm có xuất hiện nhưng không gây khó chịu cho người xem.

Trong cảnh nhân vật của Nana và Jun Do Yun uống cà phê, nhìn nhau đầy ngờ vực, ống kính tập trung vào 2 diễn viên thay vì “zoom” tới sản phẩm.

“Nếu không thể không loại bỏ PPL thì chúng tôi phải tìm ra cách để cân bằng chúng một cách tự nhiên. Quảng cáo không nên là yếu tố khiến chúng tôi bị khán giả chỉ trích” – đại diện nhà sản xuất nói.

Khôi Ngô

Bạn có thể quan tâm