Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người khôn ngoan hơn thì buồn bã hơn?

New York Times đưa tin một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Collabra: Psychology đã phản bác lại "chủ nghĩa hiện thực trầm cảm" công bố cách đây hơn 40 năm.

Hơn 40 năm trước, hai nhà tâm lý học Lauren B. Alloy và Lyn Y. Abramson công bố kết quả của một thí nghiệm đơn giản, dẫn đến lý thuyết cơ bản trong tâm lý học.

Mục đích của họ là kiểm tra thành kiến những người trầm cảm có xu hướng đánh giá thấp khả năng ảnh hưởng đến thế giới xung quanh của họ.

Dựa trên các triệu chứng tự báo cáo, TS Alloy và TS Abramson phân loại các tình nguyện viên là sinh viên đại học, có biểu hiện trầm cảm và không chán nản. Đồng thời, 2 nhà nghiên cứu cung cấp cho mỗi sinh viên một nút bấm có đèn nhấp nháy.

Sau đó, họ yêu cầu các tình nguyện viên đánh giá mức độ kiểm soát của họ đối với ánh sáng khi nhấn nút.

Kết quả đáng ngạc nhiên, những người trầm cảm có khả năng đưa ra kết quả chính xác hơn. Giả thuyết về “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm” ra đời, cho rằng người trầm cảm ít có xu hướng lạc quan hơn, do đó, họ có cái nhìn thực tế hơn về thế giới.

Giả thuyết này được công bố vào năm 1979 trong bài báo mang tên “sadder but wiser" (buồn hơn nhưng khôn ngoan hơn - PV). Nhiều thế hệ sinh viên ngành Tâm lý đã được dạy lý thuyết này, đồng thời, các học giả đã trích dẫn hơn 2.000 lần.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Collabra: Psychology đưa ra kết quả mâu thuẫn với giả thuyết trên. Các nhà nghiên cứu mới cho rằng "chủ nghĩa hiện thực trầm cảm" không đủ chính xác để nhân rộng.

benh tram cam anh 1

Nghiên cứu mới cho rằng "chủ nghĩa hiện thực trầm cảm" không đủ chính xác để nhân rộng. Ảnh: New York Times.

Phát hiện mới

Khi tái tạo lại thí nghiệm cách đây hơn 40 năm, nhóm nghiên cứu mới không tìm thấy mối liên hệ nào giữa các triệu chứng trầm cảm và sai lệch kết quả.

Trong mẫu một, những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm đánh giá quá cao khả năng kiểm soát của họ. Trong mẫu thứ hai, các triệu chứng trầm cảm không dự đoán bất kỳ sự thiên vị cụ thể nào.

Qua hai mẫu, nhóm nghiên cứu kết luận không tìm thấy bằng chứng cho thấy các triệu chứng trầm cảm gắn liền với chủ nghĩa hiện thực.

GS.TS Don A. Moore - một trong những tác giả của nghiên cứu mới - cho biết nhóm đã tập hợp lại xung quanh câu hỏi liệu “ảo tưởng tích cực” có thể nâng cao hiệu suất hay không, điều này khiến họ tái hiện lại nghiên cứu năm 1979.

Dưới ảnh hưởng của lý thuyết này, nhiều nhà tâm lý học dạy rằng “một chút ảo tưởng về bản thân sẽ giúp ích cho việc vượt qua cuộc sống, bạn phải tin vào bản thân mình nhiều hơn một chút so với thực tế”. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu hiệu ứng đó có tồn tại hay không.

Một phân tích tổng hợp năm 2012 gồm 74 nghiên cứu về “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm” phát hiện ra tác động tổng thể của "chủ nghĩa hiện thực trầm cảm” rất nhỏ, kết quả đó bị ảnh hưởng bởi phương pháp luận của nghiên cứu.

“Tuy nhiên, chủ nghĩa đó vẫn là một khái niệm có cơ sở, ăn sâu trong ngành Tâm lý học. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều đánh giá hoài nghi trong suốt quá trình nghiên cứu”, TS More nói.

benh tram cam anh 2

TS Alloy cho rằng nhóm nghiên cứu mới đã thất bại trong việc tái tạo trực tiếp thí nghiệm ban đầu. Ảnh: Ziks health services.

Phản bác

TS Lauren B. Alloy - một trong hai nhà tâm lý học thiết kế thí nghiệm ban đầu - cho biết bà không nghĩ công trình mới sẽ tạo thành thách thức với “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm”, nhóm nghiên cứu mới đã thất bại trong việc tái tạo trực tiếp thí nghiệm ban đầu.

"Họ nói rằng đã sao chép trực tiếp nghiên cứu của chúng tôi, nhưng họ không làm được như vậy. Vì vậy, đó không phải là một thách thức lớn. Những phát hiện ban đầu vẫn được giữ nguyên”, TS Alloy nói.

Vị tiến sĩ cho biết sự khác biệt trong thiết kế của hai thí nghiệm có thể dẫn đến sự khác biệt trong kết quả. Nhóm nghiên cứu mới không tìm thấy “ảo tưởng về khả năng kiểm soát” trong số các đối tượng không bị trầm cảm, như nhóm năm 1979 đã làm.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu mới liên tục yêu cầu các đối tượng đánh giá xác suất bóng đèn chiếu sáng nếu họ nhấn nút trong suốt thí nghiệm, thay vì đợi cho đến khi kết thúc như các nhà nghiên cứu ban đầu đã làm.

Chính điều này đã khiến TS Alloy cho rằng đó là bất thường, gây khó khăn cho việc giải thích bất kỳ kết quả nào.

TS Alloy cho biết thêm các nhà nghiên cứu mới đã sàng lọc các đối tượng về các triệu chứng trầm cảm, thay vì sàng lọc họ vào ngày thử nghiệm. Vì vậy, tâm trạng của họ có thể đã thay đổi trong thời gian đó.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu mới chỉ tái tạo lại thí nghiệm thứ hai, vốn có kết quả kém chắc chắn nhất trong số bốn thí nghiệm được công bố.

“Đơn giản là không đúng khi những người trầm cảm nhận thức chính xác hơn về thế giới, đó là một tuyên bố quá rộng và chung chung. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo đã xác định các điều kiện mà 'chủ nghĩa hiện thực trầm cảm' xuất hiện, dẫn đến những kết luận phức tạp và chắc chắn hơn”, TS Alloy nói.

Trong bốn thập kỷ kể từ khi TS Alloy và TS Abramson xuất bản bài báo của họ, ý tưởng "buồn hơn nhưng khôn ngoan hơn" không làm nảy sinh ra được phương pháp điều trị mới nào. Các bác sĩ lâm sàng đã chú trọng đến liệu pháp hành vi nhận thức, giúp bệnh nhân trầm cảm xác định những sai lệch trong suy nghĩ của họ.

TS Allen Miller, nhà tâm lý học lâm sàng tại Beck, mô tả bài báo mới là "một nỗ lực hợp lý để tái tạo nó, tất nhiên họ không thể làm được".

GS.TS Brian A. Nosek - Giáo sư Tâm lý học tại ĐH Virginia và là người điều phối một dự án tái tạo nghiên cứu năm 1979 vào năm 2015 - mô tả nghiên cứu ban đầu là “một công trình vững chắc, được thiết kế và báo cáo tốt”.

“Việc tái tạo nghiên cứu giúp chúng tôi xem xét lại sự tin tưởng vào những phát hiện trước đó. Tuy nhiên, không có sự sao chép nào là giống hoàn toàn”, GS Nosek nói.

GS Nosek nói thêm một thập kỷ trước, khi các nhà khoa học trẻ bắt đầu nỗ lực tái tạo những phát hiện đã công bố, họ thường bị coi là một cuộc tấn công vào các nhà nghiên cứu đã thành danh.

Tuy nhiên, kể từ đó, chúng trở nên bình thường, là một phần của đối thoại khoa học. Tuy nhiên, vị giáo sư nhận định tất cả nhà nghiên cứu đều có cái tôi, và những phát hiện giống như vật sở hữu.

Vì sao nhiều người thấy tuyệt vọng trước kỳ kinh nguyệt

Tuyệt vọng, khó chịu, lo lắng… là các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt - một dạng rối loạn tiền kinh nguyệt nghiêm trọng - cần phải sử dụng thuốc để điều hòa.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm