Khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang dần tăng lên ở phương Tây và các tuyến đường bay du lịch bắt đầu mở cửa ở châu Á, nhiều hãng hàng không vẫn chưa tìm ra cách để giải quyết nguy cơ tiềm tàng ngăn cản việc hoạt động trở lại: những người từ chối tiêm vaccine Covid-19, theo South China Morning Post.
Trên thế giới, chỉ có hai hãng hàng không là Cathay Pacific và United Airlines đã tiến hành tiêm vaccine bắt buộc cho nhân viên, trừ một số trường hợp đặc biệt về tình trạng y tế hoặc tôn giáo. Những người từ chối tiêm phòng mà không có lý do chính đáng đã bị Cathay Pacific sa thải, United Airlines cũng cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp tương tự.
Nhiều hãng hàng không lớn toàn cầu cho biết đang gặp khó trước yêu cầu tiêm chủng bắt buộc dành cho phi hành đoàn và khách bay, nhất là khi ngày càng nhiều điểm đến coi việc tiêm vaccine là điều bắt buộc khi nhập cảnh.
Cathay Pacific tiến hành tiêm phòng Covid-19 cho nhân viên và khởi động lại các chuyến bay. Ảnh: AP. |
Ngày 15/10, Mỹ cho biết sẽ mở cửa biên giới từ 8/11 cho những người nước ngoài đã tiêm phòng và nói chung sẽ cấm những người chưa tiêm vaccine nhập cảnh. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng chuẩn bị đưa ra các quy định yêu cầu người làm việc trong các khu vực tư nhân phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 hàng tuần.
Đối với các hãng hàng không, tình trạng một phần nhân viên đã tiêm phòng, một phần chưa khiến việc đảm bảo các chuyến bay có đủ người là rất khó bởi các hoạt động thường chia nhỏ.
Pieter Elbers, giám đốc điều hành Pieter Elbers, cho biết bối cảnh lao động ở Hà Lan khiến việc tiêm chủng bắt buộc là không thể.
"Tiêm phòng là cách để thoát khỏi khủng hoảng. Những gì chúng tôi làm là khuyến khích nhân viên của mình đi tiêm phòng", Elbers nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết không đồng ý với bất kỳ động thái nào nhằm "tước quyền" đi du lịch của những hành khách chưa tiêm phòng, đồng thời cho rằng điều đó có thể khiến hãng mất một phần lớn khách hàng.
Walter Cho, giám đốc điều hành của Korean Air, cho biết hãng không được tự ý bắt buộc tiêm phòng hay yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine song sẽ phải tuân thủ các yêu cầu về vaccine trên các chuyến bay đến Mỹ.
“Hầu hết công dân Hàn Quốc đều mong muốn được tiêm phòng. Chúng tôi sẽ sớm đạt tiêm chủng toàn diện, tỷ lệ tiêm đã tăng lên 50% rất nhanh, đặc biệt là trong công ty của chúng tôi, mọi người sẽ được tiêm chủng tự nguyện".
Topi Manner, giám đốc điều hành Finnair, hy vọng yêu cầu tiêm vaccine trở thành bắt buộc đối với các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, thúc đẩy mọi người đi tiêm phòng.
Người chưa tiêm phòng không được chào đón
Trong khi đó, những người chưa được chủng ngừa ngày càng có ít lựa chọn hơn khi muốn bay ra nước ngoài và không phải cách ly.
Các hãng hàng không như Qantas, Air New Zealand và AirAsia cho biết những hành khách chưa tiêm phòng sẽ không còn được chào đón trên các chuyến bay quốc tế hoặc nội địa của họ trong tương lai.
Singapore Airlines chỉ cho phép hành khách đã được tiêm chủng lên các chuyến bay không cách ly hợp tác với hơn 10 quốc gia. Trong số 3.100 khách đến từ Đức và Brunei, 2 quốc gia đầu tiên có chuyến du lịch miễn cách ly với Singapore, chỉ có 2 người dương tính với SARS-CoV-2 kể từ khi chương trình triển khai vào tháng 9.
Những du khách chưa tiêm phòng ngày càng có ít lựa chọn hơn nếu muốn bay quốc tế. Ảnh: AP. |
Tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhắc lại lời kêu gọi phủ rộng vaccine là cách để hồi sinh ngành hàng không đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đồng thời kêu gọi các chính phủ loại bỏ những trở ngại đối với việc lại, ví dụ như phải trả tiền để xét nghiệm Covid-19.
Bên cạnh đó, IATA cũng cho rằng những người chưa tiêm phòng cũng nên được đi lại miễn là thường xuyên làm xét nghiệm.
Brendan Sobie, nhà phân tích hàng không độc lập tại Singapore, cho biết hành khách ở châu Á bắt đầu cân nhắc việc đi lại quốc tế.
“Tôi tin rằng nhu cầu về sự thống nhất và đồng thuận sẽ ngày càng trở nên cấp thiết. Nhưng tất nhiên tại thời điểm này, trở ngại chính, đặc biệt là tại châu Á, đơn giản là không thể đi lại do các việc đóng cửa biên giới và yêu cầu cách ly”.