Bến đỗ cho những con tàu huyền thoại
Từ thế kỷ XVII-XIX, Hội An là thương cảng thịnh vượng, được xem là trung tâm thương mại lớn với sự tham gia của các thuyền buôn đến từ các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Cũng trong thời gian này, những chiếc thuyền chiến, thuyền buôn bắt đầu phát triển, người ta đóng nhiều con tàu mà sau này đi vào lịch sử.
Sinh ra lớn lên trên vùng đất nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ tại Đồng Nai, ngay từ nhỏ Hà đã yêu thích những con tàu bằng gỗ đơn giản do cha làm. Chị kể, khi đó nhiều nhà xung quanh đều làm các sản phẩm gỗ mỹ nghệ mô hình tàu gỗ, xe gỗ.
Còn tàu gỗ hồi đó chỉ làm đơn giản phần thuyền với 3 cột buồm là xong. Riêng cha và người anh trai của Hà cất công tìm hiểu sâu hơn về những con tàu cổ lừng danh thế giới.
Trần Thị Hà bên mô hình chiếc tàu Endeavour do thuyền trưởng James Cook chỉ huy, khám phá ra New Zealand, Australia. |
Với niềm say mê đặc biệt, chị mày mò nghĩ cách làm sống lại hình ảnh của những con tàu huyền thoại. “Có lẽ không mấy ai như tôi, là phụ nữ lại đam mê nghề gỗ. Nhưng cứ tưởng tượng ra những con tàu xinh đẹp, tôi lại quên hết khó khăn, mệt nhọc, đôi tay có chai sần đến đâu cũng không ngại”.
Sau nhiều năm, đến nay Trần Thị Hà có hàng trăm mô hình tàu cổ của hàng chục nước trên thế giới. Tất cả đều làm thủ công.
Santa Maria, Santa Pinta, Santa Nina là tên những con tàu nổi tiếng ra đời từ thế kỷ XIV, được chị thực hiện mô phỏng lại thành công. Santa Maria là con tàu gắn với nhà thám hiểm Christopher Columbus’s, đã cùng ông đi từ Tây Ban Nha đến Mỹ vào năm 1492-1502, để từ đó ông tìm ra các vùng đất mới như các đảo ở Ấn Độ, Cipango (Nhật Bản) và một số vùng Địa Trung Hải và Trung Hoa cổ.
“Ba con tàu này được xem như chị em sinh ba, luôn gắn liền với nhau. Tôi dựa trên những hình ảnh còn lại của tàu để vẽ mô phỏng và hoàn thiện sản phẩm”, chị Hà nói.
Tại khu trưng bày các con tàu của chị, người ta còn bắt gặp tàu Black Pearl (Ngọc trai đen) mô phỏng theo con tàu nổi tiếng trong phim “Cướp biển vùng Caribe”. Hay như tàu Titanic ra đời năm 1912 và đi vào lịch sử ngành hàng hải bởi vụ tai nạn kinh hoàng trên biển...
Công phu
Mỗi con tàu đều có hàng trăm chi tiết nhỏ tỉ mỉ. “Đầu tiên phải làm cho thân tàu một khung xương bằng cách ghép từng đoạn gỗ nhỏ như ngón tay. Còn với những tấm vải buồm tàu, để thể hiện đúng màu sắc xưa cũ, phải nhuộm vải”, chị Hà kể.
Nhưng khó nhất vẫn là các chi tiết nhỏ như súng ống, các bộ phận điều khiển trên tàu… Chị kỳ công chế ra những chiếc khuôn nhỏ li ti, rồi nung chảy đồng, chì đổ vào. Kỳ công nhất vẫn là những chiếc thuyền được đặt nằm gọn trong ruột chiếc bóng đèn.
Phải kiên trì, tỉ mẩn đưa vật liệu vào bên trong bóng đèn rồi ghép, dán bằng loại keo chuyên dụng. Điều đặc biệt, những chiếc tàu của chị làm ra đều làm bằng gỗ và không sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, chị còn sưu tầm những mô hình tàu Việt Nam của các đời vua chúa ngày xưa thường du ngoạn.
Mỗi mô hình tàu cổ mang theo một câu chuyện kỳ thú, khiến người xem như lạc bước vào thế giới cổ xưa, để chợt ước mình đang đứng trên mũi tàu hướng ra đại dương…