Hơn thế, với các tân tiến sĩ người Việt, tiệc mừng ở nước ngoài nên có màu sắc hương vị quê nhà mới ý nghĩa.
Nếu quen Nguyễn Thị Thanh - cựu giảng viên khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện sống tại Bỉ, mọi chuyện sẽ khác.
Cộng đồng người Việt ở Leuven (Bỉ) khá đông, chủ yếu là sinh viên và gia đình lưu học sinh. Quan hệ khá gắn kết nên họ giúp đỡ nhau cũng đậm đà.
Nếu bất chợt gặp người Việt trong cửa hàng thực phẩm của người Nepal trên phố Brusselsestraat, tôi hay hỏi: “Có quen chị Thanh không?”. Câu trả lời thường xuyên là: “Chị Thanh thì ai mà chẳng biết”.
Nguyễn Thị Thanh và tiệc mừng bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
Nhiều tiệc mừng tân tiến sĩ ở đây có Thanh chung tay giúp đỡ. Trò chuyện với tôi mà Thanh vẫn luôn tay luôn chân: “Em vừa cuốn xong 200 cái nem”, “Tiramisu phải làm bằng trứng gà bio mới an toàn”, “gỏi cuốn với thịt gà thơm ngon hơn thịt heo”, “người Âu không có thói quen tráng miệng trái cây nên mình phải kết hợp cả bánh ngọt homemade ngon, rẻ và đảm bảo”...
Phần lớn lưu học sinh sống trong điều kiện kinh tế không mấy dư dả. Giúp đỡ nhau là truyền thống, nhưng giải bài toán một bữa tiệc ngon, tươm tất, đậm hương vị Việt với khoản kinh phí eo hẹp, không dễ.
Tôi từng chứng kiến Thanh hóa giải tiệc chiêu đãi của tân tiến sĩ Hồ Lê Tuấn Anh (vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Lý tại ĐH KU- Katholieke Universiteit Leuven).
Đinh Thị Oanh, vợ của Tuấn Anh tâm sự: “Hoàn cảnh nhà đông con nhỏ nên em rất lo, không biết xoay xở ra sao buổi tiệc mừng tiến sĩ cho chồng. Thấy vậy, chị Thanh chủ động đề nghị giúp. Được chị ấy giúp coi như yên tâm có tiệc ngon đãi khách. Chị ấy định lên thực đơn và làm giúp vài món thôi, nhưng rồi lại chịu trách nhiệm chính và làm hầu hết món”.
Thông thường, khi người Việt chung tay, chi phí một bữa tiệc chỉ khoảng 300 - 500 EUR nhưng rất chất lượng. Tiệc mừng của tiến sĩ Tuấn Anh tháng 1-2019, ngoài nem (chả giò) rán, gỏi cuốn - hai món chính hầu như không thể thiếu của người Việt, Thanh linh hoạt nấu cả stofvlees - thịt bò hầm bia nổi tiếng của người Bỉ, chuẩn vị.
Các giáo sư người Bỉ bất ngờ thú vị như người Việt bỗng tìm thấy bát phở trên bàn tiệc Tây, còn thực khách Việt thì được thưởng thức thêm món mới.
TS Tuấn Anh nhớ lại khoảng 16h, vừa bước ra khỏi phòng bảo vệ luận án, “bất ngờ thấy ngay một bàn tiệc sang trọng. Từ hoa đến khăn trải bàn đều hòa hợp với các món ăn trình bày đầy màu sắc. Vô cùng xúc động”.
Cũng chiều đó, lẽ ra Thanh phải đưa con nhỏ đi khám theo lịch chăm sóc sức khỏe định kỳ. Vợ chồng Tuấn Anh và Oanh cảm động mãi khi biết chồng Thanh là Eddy đã xin nghỉ nửa ngày phép đưa con đi khám để vợ chu toàn với buổi tiệc như đã hứa.
Hay như một trường hợp đặc biệt khác cũng được Thanh giúp đảm nhận các khâu chính của tiệc. Đó là một nghiên cứu sinh chưa bảo vệ xong tiến sĩ ở KU đã xin được làm sau tiến sĩ ở Mỹ. Từ Mỹ, anh nhắn tin nhờ Thanh chuẩn bị tiệc trước khi về Bỉ bảo vệ luận án. Cả trăm người dự, món ăn ngon nhanh chóng hết veo, hội đồng chấm luận án ở đến phút cuối tiệc.
Sau một thời gian tạm ngừng để sinh con và chăm con nhỏ, từ 2019-2020, Nguyễn Thị Thanh sẽ hoàn thành nốt luận văn thạc sĩ giáo dục (cũng tại KU) theo học bổng song phương của Chính phủ Bỉ.
Thanh có tính cách sư phạm khá đậm, nổi tiếng thẳng thắn trong cư xử và nghiêm cẩn khi làm việc. Thỉnh thoảng bị Thanh nắn chỉnh, chúng tôi đùa nhau “lại pha nước chấm sai ngữ pháp rồi”.
Nhưng được cô Thanh giúp đỡ, được cô Thanh mời ăn, ai cũng có cảm giác háo hức như chờ cơm mẹ nấu, như đã tìm được một nơi chốn tin cậy nương nhờ. Khi thì nồi dừa kho thịt, tô bún cá, lúc tô canh bí ngòi đặt cạnh đĩa cà muối xổi... Bếp cô Thanh lúc nào cũng bập bùng hơi ấm.
Cho dù là tiến sĩ đã có gia đình hay du học sinh đang ở độ tuổi bẻ gãy sừng trâu vừa rời nhà sang Brussels du học, ai ai cũng được cô ân cần hướng dẫn, giúp đỡ khiến cảm giác xa nhà vơi đi rất nhiều.