Tôn trọng bản quyền tác giả là biểu hiện của việc sợ hình phạt, sợ bị xã hội lên án, tẩy chay, không sử dụng sản phẩm có vi phạm bản quyền. Những ứng xử này sẽ ảnh hưởng đến mức độ vi phạm nhiều hay ít của hành vi.
Ở Việt Nam, pháp luật quy định khá rõ về Sở hữu trí tuệ với các khung phạt cả hành chính và hình sự với hành vi vi phạm quyền tác giả. Tuy nhiên hiện tượng vi phạm bản quyền còn nhiều do ý thức của người dân chưa tốt về việc tôn trọng, bảo vệ quyền tác giả.
Sau việc phim "Cô Ba Sài Gòn" bị livestream trái phép, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội), gửi đến Zing.vn góc nhìn riêng của mình.
Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng
Mới đây, bộ phim Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân bị quay lén tại rạp bằng hình thức livestream trên một fanpage về phim. Đây là hành động vi phạm về quyền tác giả. Người ghi hình và livestream bộ phim tại rạp đã "sao chép, truyền đạt trái phép tác phẩm không phải của mình đến công chúng qua mạng truyền thông".
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch. Ảnh: Bảo Lâm. |
Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, quy định "Hành vi xâm phạm quyền tác giả" là: Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này; Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Người xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy tố.
Cụ thể, về xử lý vi phạm hành chính: Người xem tại rạp quay lén và livestream phim Cô Ba Sài Gòn trên một fanpage đã có hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình. Theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi này bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng.
Ngoài ra, pháp luật quy định người này phải dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Bộ phim được livestream trên một trang phim online. |
Nếu chứng minh được người livestream cố ý tiếp tay, chiếu với danh nghĩa của fanpage của mình "để cho người xem trên mạng", thì hành vi đó đã "xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình".
Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi này bị phạt từ 10-30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi này.
Quay lén trong rạp chiếu phim có thể bị xử lý hình sự
Điều 131 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định đối với hành vi vi phạm quyền tác giả như sau:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm…
- Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.
Ngô Thanh Vân chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân. |
Khoản 2 điều 131 quy định, người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả qui định tại Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 được hướng dẫn ở Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP.
Người quản lý fanpage có phải chịu trách nhiệm?
Việc người quản lý fanpage có chịu trách nhiệm hay không tùy thuộc vào hình thức truyền tải, nội dung và ý chí chủ quan của họ.
Nếu fanpage cho phép các thành viên livestream các bộ phim trái phép, vi phạm bản quyền hoặc quản lý trang web trực tiếp có các hành vi tiếp tay để thành viên hoặc người quản lý trang web sử dụng nó như một công cụ để truyền tải các tác phẩm có hành vi vi phạm quyền tác giả thì sẽ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm pháp luật của mình.
Ngô Thanh Vân cần có yêu cầu xử lý
Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất bộ phim, bị vi phạm bản quyền nên cô ấy có quyền khởi kiện về việc quyền tác giả, tác phẩm của mình đã bị vi phạm đối với người vi phạm.
Nhà sản xuất bộ phim có thể thực hiện tố cáo đến cơ quan chức năng (cơ quan công an, Cục bản quyền tác giả) về hành vi vi phạm bản quyền và cũng có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của chủ thể quyền tác giả.