Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mắc bệnh hô hấp tăng đột biến tháng này

Trong điều kiện thời tiết lạnh, số lượng người gặp vấn đề hô hấp phải tới khám, thậm chí nhập viện điều trị nội trú tăng cao.

Thời tiết lạnh khiến số người mắc bệnh hô hấp tăng đột biến. Ảnh: Mạnh Đạt.

Theo thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương, từ đầu tháng 12 đến nay, số lượng bệnh nhân tại khoa Bệnh Phổi mạn tính tăng lên hơn 130%. Trước đó, số lượng bệnh nhân chỉ khoảng 200 lượt bệnh nhân/tháng.

Với các trường hợp phải vào nội trú điều trị, đa số bệnh nhân phải thở oxy, suy hô hấp. Thậm chí, nhiều trường hợp rất nặng phải thở máy xâm nhập, đặt ống nội khí quản.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính, cho biết miền Bắc đang trong những ngày giá rét, nhiều ngày nhiệt độ hạ đột ngột - đây là khoảng thời gian số lượng bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến, gồm cả trường hợp đến khám và điều trị nội trú.

Ông lý giải: "Phổi là cơ quan trực tiếp giao tiếp với môi trường, hít thở luồng không khí bên ngoài vào cơ thể. Do đó, tất cả sự thay đổi môi trường đều trực tiếp ảnh hưởng đến phổi, hệ hô hấp".

Mặt khác, không khí từ bên ngoài vào cơ thể phải đi qua mũi để sưởi ấm mới vào phổi. Tuy nhiên, không khí lạnh khiến việc sưởi ấm này kém hiệu quả, chưa kể trong không khí còn nhiều chất độc hại, khói bụi, vi sinh không nhìn thấy được…

Yếu tố bảo vệ bị giảm sút sẽ tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ bùng phát, người bệnh dễ bị nhiễm trùng về hô hấp.

Đặc biệt, khi bị nhiễm lạnh, viêm phổi, những người có bệnh lý nền, diễn biến bệnh thường nặng hơn so với người khỏe mạnh. Theo BS Thành, đa số trường hợp đến khám phải nhập viện là bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch.

Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia khuyến cáo với người có bệnh lý nền, việc phòng bệnh là quan trọng nhất. Cụ thể, những trường hợp có sẵn bệnh lý nền cần được quản lý bệnh nền tốt, theo dõi chuyên khoa cả bệnh lý về hô hấp và các bệnh đi kèm.

Ngoài ra, người dân cần có chế độ bảo vệ cơ thể tốt như đảm bảo dinh dưỡng, nhất là với người cao tuổi, cần ăn uống đủ chất.

Về vấn đề chăm sóc, trong những ngày rét, người cao tuổi cần được giữ ấm, nhất là trường hợp hay phải thức dậy giữa đêm, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến bệnh về hô hấp hoặc những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý con tránh bị nhiễm lạnh về đêm, thay tã, bỉm kịp thời, tránh bị lạnh do trẻ tiểu đêm…

Đồng thời, để tăng sự bảo vệ chủ động, với người bệnh nền, những người trên 65 tuổi nên tiêm phòng cúm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu để giảm tỷ lệ nhiễm bệnh về phổi, tăng khả năng phòng bệnh.

Nguy hiểm khi phụ nữ mang thai mắc sốt rét

Vợ tôi đang mang thai được 4 tháng và vừa đi công tác ở vùng có dịch sốt rét. Triệu chứng bệnh là gì và có lây không? Nếu bị mắc bệnh, vợ tôi có gặp nguy hiểm không?

Bệnh viện tại Hà Nội đặt máy sưởi chống rét cho bệnh nhân

Hà Nội đang bước vào những ngày thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ ngoài trời xuống rất thấp. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là những người đang mắc bệnh.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm