Bố tôi mắc bệnh tiểu đường khoảng 3 năm nay. Bố tôi được phường gọi đi tiêm vaccine Covid-19. Ông cần chú ý gì trước khi tiêm?
Lê Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh nhân tiểu đường type I hoặc II là một trong nhóm bệnh nhân mắc bệnh nền được khuyến cáo nên ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sớm.
Các báo cáo về việc tiêm vaccine Covid-19 trên bệnh nhân tiểu đường cũng cho thấy khi nhiễm virus, trường hợp này sẽ có khả năng cao mắc các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Việc tiêm vaccine sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và ngăn tình trạng bệnh tiến triển nặng nếu mắc phải.
Cho tới nay, nghiên cứu cho thấy các vaccine Covid-19 dung nạp tốt, có hiệu quả và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người mắc bệnh tiểu đường.
Thử nghiệm lâm sàng của vaccine Pfizer và AstraZeneca thực hiện ở người mắc bệnh tiểu đường cho thấy các tác dụng phụ sau tiêm vaccine ở nhóm này cũng tương tự người không mắc tiểu đường.
Họ có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ, nhưng sẽ chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng người tiêm cũng cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khoảng vài ngày sau khi tiêm để kiểm soát đường huyết tăng đột biến.
Hiện chưa thấy có hiện tượng tương tác giữa vaccine với insulin và các thuốc trị tiểu đường khác. CDC cũng cho biết vaccine Covid-19 không tương tác với hầu hết loại thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc điều trị tình trạng sức khỏe mạn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, CDC vẫn khuyên cáo không nên dùng thuốc không kê đơn để ngăn ngừa tác dụng phụ trước khi tiêm vaccine. Những người thường xuyên dùng các loại thuốc này vì bệnh lý nên tiếp tục sử dụng chúng như thông thường. Mọi người cũng không nên dùng thuốc kháng histamine để giúp ngăn ngừa phản ứng dị ứng trước khi tiêm.
Nguồn: WHO, CDC Mỹ.