Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẫu bị tạt axit: 'Toàn thân tôi như bị thiêu sống'

"Đau đớn kinh hoàng, tôi thét lên thất thanh như con vật bị tàn sát vậy", Katie Piper (Anh) mô tả lại cảm giác khi bị tạt axit.

Trước ngày 31/3/2008, Katie Piper là người mẫu, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Anh. Cô xinh đẹp, tài năng và sở hữu trang mạng xã hội được nhiều người theo dõi.  Sau ngày định mệnh ấy, cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. 11 năm kể từ khi bị tạt axit, Katie Piper đã sống sót qua những ngày đen tối ấy như thế nào?

Bạn trai cưỡng hiếp, thuê người tạt axit

Không chỉ là người mẫu, Katie từng làm công việc của một ringgirl (những cô gái xinh đẹp cầm biển trong các buổi đấu võ, quyền anh). Tại đây, cô gặp Danny Lynch, võ sĩ nghiệp dư. Danny đã làm quen với Katie qua mạng xã hội. Hai người gặp gỡ và hẹn hò.

Yêu nhau, Katie nhận ra Danny là người đàn ông có tính sở hữu và khuynh hướng bạo lực. Một lần, anh ta trở nên giận dữ khi người phục vụ tại cửa hàng bánh gọi Katie là "quý cô thân yêu". Về đến nhà sau giờ làm việc, kiểm tra điện thoại, Katie giật mình khi thấy 37 cuộc gọi nhỡ của Danny chỉ trong vài giờ.

Hai tuần sau khi yêu, cặp đôi đặt phòng tại một khách sạn ở Bayswater. Tại đây, Danny đã cưỡng hiếp và đánh đập Katie. Hắn còn cầm dao cạo và đe dọa sẽ cắt nát mặt nếu cô nói chuyện này với bất kỳ ai. Sau khi thoát khỏi khách sạn, Katie tới Bệnh viện Hoàng gia để điều trị vết thương. Cô không tiết lộ vụ việc cho các bác sĩ và cảnh sát vì sợ Danny trả thù.

Nguoi mau bi tat axit anh 1
Hình ảnh của Katie trước và sau khi bị tạt axit. Ảnh: Dailymail.

Vài ngày sau, Katie nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn xin lỗi từ Danny. Ngày 31/3/2008, 2 ngày sau cuộc tấn công ban đầu, Danny hẹn gặp Katie tại một quán cà phê. Tuy nhiên, trên đường đi, Katie gặp một thanh niên trẻ tuổi. Hắn tiến về phía Katie rồi bất ngờ tạt axit vào mặt cô.

“Cảm giác đau đớn kinh hoàng mà tôi chưa bao giờ trải qua. Toàn thân tôi như bị thiêu sống. Tôi nghe tiếng thét thất thanh như tiếng con vật bị tàn sát vậy. Rồi tôi nhận ra âm thanh đó xuất phát từ chính mình”, Katie nhớ lại. Danny đã nghe toàn bộ tiếng thét của Katie qua điện thoại.

Sau đó, cô gào thét xin được giúp đỡ và cố gắng tìm chỗ nào đó để rửa mặt trước khi mọi thứ nhòa đi. Axit đã ăn vào mặt, cổ, quần áo và da của Katie. Ai đó tốt bụng đã ngồi cạnh Katie, xịt nước vào mặt cô gái đáng thương.

Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy cô bị bỏng cấp độ 3, mất mí mắt, tai trái và mũi. Các bộ phận khác như mắt, miệng, lưỡi, thực quản, cánh tay, bàn tay, cổ, đều bị tổn thương nặng nề.

Không lâu sau đó, Danny và gã thanh niên được thuê để tạt axit vào Katie đều bị bắt, chịu án tù chung thân.

Hơn 100 cuộc phẫu thuật trong vòng 3 năm

Để chỉnh sửa khuôn mặt và cấy ghép da trên cơ thể, Katie phải trải qua hơn 100 cuộc phẫu thuật trong vòng 3 năm. Nói về những tháng ngày đen tối đó, Katie cho rằng niềm tin là điều quan trọng nhất. "Chúng ta vẫn luôn tìm ra giải pháp ngay cả khi ở trong quãng thời gian tồi tệ nhất. Hãy tin điều đó", Katie chia sẻ.

Nhiều tháng sau khi bị tạt axit, tổn thương ở thực quản khiến Katie không thể ăn uống bình thường mà phải dùng ống xông đưa thức ăn vào dạ dày. Hơn 30 cuộc phẫu thuật được tiến hành để điều trị tình trạng tắc nghẽn cũng như xử lý các vết sẹo chằng chịt trên thực quản của Katie.

Hai năm đầu chữa trị, Katie đã phải điều trị tại Bệnh viện Chelsea và Bệnh viện Westminster. Cô phải đứng dưới vòi nước xối xả trong 10 giờ để làm trôi toàn bộ lượng axit tồn đọng và cứu vãn những phần da còn sót lại. Khuôn mặt của cô bị cháy, cổ và một mảng da tay, mắt trái cũng bị axit tàn phá.

Katie chịu rất nhiều đau đớn khi phải thực hiện các cuộc phẫu thuật liên tiếp để loại bỏ các mô đã hoại tử. Các bác sĩ tạo hình lại khuôn mặt và thay da tổng hợp cho cô. Nhiều tháng sau đó, Katie phải đeo mặt nạ, đồng thời đến các trung tâm phục hồi chức năng để tập luyện.

Thay vì sống cuộc đời im lặng, Katie đã quyết định kể lại câu chuyện của mình. Cô hy vọng có thể làm điều gì tốt đẹp từ những ký ức kinh hoàng đã qua. Người phụ nữ dũng cảm này đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu trên Channel 4 với tựa đề "Katie: My beautiful Face" (Katie: Gương mặt xinh đẹp của tôi).

Cô cũng thành lập một quỹ mang tên Katie Piper Foundation với mục đích nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề bỏng và những tổn thương gương mặt do nạn tạt axit. Katie cũng dẫn cho một chương trình dành riêng cho những người khuyết tật, kém may mắn như mình.

Năm 2015, Katie cũng tìm được hạnh phúc riêng cho mình khi kết hôn với bạn trai làm nghề thợ mộc tên Richard Sutton và có 2 cô con gái, Belle và Penelope.

Katie chia sẻ: "Khi tôi nhìn vào gương, những vết sẹo đã không còn làm tôi khó chịu. Chúng nhắc nhở tôi rằng bản thân phải mạnh mẽ hơn so với chính người đã làm tổn thương tôi. Mỗi chúng ta đều có những vết sẹo trong cuộc đời dù nó ở trên da hay trong tâm hồn. Và khi nhìn vào quãng thời gian đã qua, tôi tự hào rằng mình đã sống sót".

Nguoi mau bi tat axit anh 2
Katie đã trải qua gần 100 ca phẫu thuật để tái tạo da và những bộ phận khác trên khuôn mặt. Ảnh: Extra.

Mua axit ở Anh dễ và rẻ tiền

Ông Jah Shah, Giám đốc tổ chức từ thiện quốc tế Acid Survivors Trust International (ASTI), cho biết Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tấn công bằng axit cao nhất thế giới.

Số liệu của ASTI tiết lộ số vụ tấn công bằng axit được ghi nhận đã tăng gần gấp 3 lần từ 228 vụ trong năm 2012 lên tới 601 vụ trong năm 2016. Với 400 vụ tấn công bằng axit xảy ra chỉ trong 6 tháng, 2017 được coi là năm tồi tệ nhất ở Anh.

Nguoi mau bi tat axit anh 3
Anh là nước có số vụ án tấn công bằng axit rất cao. Ảnh: Express.

Ở các nước thường xảy ra nạn tạt axit như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Colombia, xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng gia trưởng. Phần lớn các vụ tạt axit là do đàn ông ra tay với phụ nữ. Nguyên nhân có thể là mẫu thuẫn tình cảm, vấn đề quan hệ tình dục hay không chịu kết hôn. Đa số phụ nữ đều bị tạt axit vào mặt.

Giáo sư Simon Harding tại Đại học Middlesex cho biết hành vi sử dụng axit tấn công đã xảy ra từ thế kỷ XIX dưới thời Nữ hoàng Victoria. Tuy nhiên, hiện nay các băng nhóm xã hội cũng rất thích sử dụng axit. Hơn 50% số vụ tạt axit xảy ra ở khu vực phía Đông London, địa bàn của nhiều băng nhóm. Vì vậy, không giống như các quốc gia khác, nơi 80% vụ tấn công axit xảy ra với phụ nữ, ở Anh, hầu hết nạn nhân là nam giới.

Tại đất nước này, độ tuổi nào cũng có thể mua axit. Chúng cũng rẻ tiền và ít để lại dấu vết nên khó điều tra. Trong thời gian dài, Chính phủ Anh không kiểm soát chặt chẽ với việc bán axit và không có luật cụ thể đối với các cuộc tấn công axit. Về pháp lý, dùng dao tấn công là hành vi giết người sẽ bị phạt nặng, còn dùng axit chỉ được xem là hành vi cố ý gây thương tích nên bản án nhẹ hơn.

Năm 2018, sau một loạt cuộc họp và tham vấn với ASTI và các bên liên quan, Chính phủ Anh đã công bố một loạt chính sách thay đổi:

- Hạn chế việc bán axit, ngừng bán axit cho những người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ tháng 1/2018);

- Axit được liệt kê là vũ khí nguy hiểm tiềm tàng. Người trưởng thành sở hữu axit sẽ phải đối mặt với án tù 6 tháng (có hiệu lực từ tháng 3/2018);

- Muốn nhập khẩu, mua hoặc sử dụng axit sulfuric trên 15% cần được cấp phép bởi Chính phủ Anh (có hiệu lực từ tháng 7/2018).

- Cấm bán các sản phẩm ăn mòn cho những người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ tháng 5/2019).

Vụ cô gái bị chồng sắp cưới tạt axit: Những phụ nữ chung số phận

Không chấp nhận bị từ hôn, một thanh niên đã tạt axit vào mặt người yêu. Đó là một trong rất nhiều vụ tạt axit thương tâm mà hung thủ và nạn nhân từng "đầu ấp, tay gối".

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm