Vì muốn có vẻ ngoài đẹp nhất trong ngày cưới, nữ người mẫu Malaysia Coco Siew Zhi Shing (23 tuổi) đi hút mỡ ở thẩm mỹ viện tại Kuala Lumpur hôm 17/10.
Tuy nhiên, nửa giờ sau khi tiêm thuốc gây mê vào cánh tay, nhịp tim cô chậm lại, cơ thể co giật, phải nhập viện cấp cứu. Nữ người mẫu qua đời lúc 17h tại bệnh viện.
Trước đó, Siew tìm thấy thẩm mỹ viện này trên mạng. Chỉ sau khi cô qua đời, người của cơ sở làm đẹp mới thừa nhận họ không được cấp phép để thực hiện các thủ thuật y tế.
Siew không phải nạn nhân đầu tiên của phẫu thuật thẩm mỹ thất bại. Những năm qua, không ít người tiền mất, tật mang, thậm chí bỏ mạng sau khi lựa chọn làm đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ bất hợp pháp với mức giá rẻ. Những cái chết khi tuổi đời còn trẻ gây nên nỗi ám ảnh, sự thương tiếc khôn nguôi cho người thân.
Siew từng hoãn việc tổ chức hôn lễ với bạn trai yêu 4 năm do dịch Covid-19. Cô tử vong trong khi hút mỡ cánh tay để chuẩn bị cho đám cưới vào cuối năm nay. |
Từ biến dạng cơ thể đến mất mạng
Vì làm đẹp tại thẩm mỹ viện chui, hơn 10 năm qua, đôi bạn thân Alvinia Bermoy Bernadez (30 tuổi) và Maui Cababao (32 tuổi, đến từ Philippines) phải sống với gương mặt biến dạng cùng những lời dè bỉu, miệt thị từ người xung quanh.
Năm 2008, một phụ nữ đi thẩm mỹ viện về và khuyến khích đôi bạn tiêm petroleum jelly (chất sáp được chiết xuất từ xăng dầu) vào má, cằm tại cơ sở làm đẹp ở thành phố Cabadbaran.
“Chúng tôi là dân tỉnh lẻ nên còn non kinh nghiệm và không biết chất được tiêm vào cơ thể mình là gì. Cô ấy chỉ hứa rằng chúng tôi sẽ trở nên xinh đẹp hơn”, Bernadez nhớ lại.
Đôi bạn thân bị biến dạng gương mặt do tiêm petroleum jelly lên mặt ở cơ sở thẩm mỹ chui. Ảnh: Viral Press. |
Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng, đôi bạn liên tục cảm thấy ngứa ngáy, sưng phồng và đau nhức khắp mặt. Họ tìm đến nhiều bác sĩ, chuyên gia có tiếng về thẩm mỹ mong được chạy chữa nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu.
Trải qua nhiều ca phẫu thuật trong những năm qua, gương mặt của Bernadez và Cababao đã bớt sưng song họ không thể có cuộc sống bình thường.
Cababao cho biết hơn 10 năm qua, cô và bạn thân bị gọi là “ác quỷ”, từng có ý định tự tử và sợ ra khỏi nhà.
“Tôi chỉ hy vọng mọi người sẽ thấu hiểu, thông cảm cho chúng tôi”, Bernadez nói thêm.
Không may mắn giữ được mạng sống như Bernadez và Cababao, Leigh Aiple (31 tuổi, đến từ Australia) chết sau khi tới Malaysia để phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ vào năm 2017.
Tại Trung tâm y tế Beverly Wilshire ở Kuala Lumpur, Aiple đã hút mỡ bụng, bơm môi, nâng cơ mắt, gọt cằm, nâng đùi và bơm ngực. Vài giờ sau khi phẫu thuật, người đàn ông cảm thấy khó thở, choáng váng, tiêu chảy.
Dù sức khỏe không tốt, Aiple vẫn quyết định quay về Australia. Anh qua đời sau chưa đầy 24 giờ kể từ khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.
Các cuộc điều tra cho thấy thẩm mỹ viện đã thực hiện phẫu thuật cho Aiple với giá 145.000 RM, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn ở xứ sở chuột túi.
Theo Oriental Daily, tháng 8/2019, chồng của người phụ nữ 28 tuổi ở Hà Nam (Trung Quốc) nhận được cuộc gọi từ thẩm mỹ viện, nói rằng vợ anh gặp biến chứng trong quá trình dao kéo.
Sau khi đến nơi, anh nhận tin dữ rằng vợ mình không qua khỏi. Người chồng suy sụp và trình báo cảnh sát.
Theo giấy tờ được thẩm mỹ viện cung cấp, có kèm chữ ký của nạn nhân, cô trải qua các phẫu thuật gồm độn trán, độn cổ, độn vòng ba và sửa ngực. Tuy nhiên, người chồng khẳng định chữ ký là giả mạo.
Giấu chồng đi phẫu thuật thẩm mỹ, người phụ nữ 28 tuổi ở Trung Quốc tử vong trên bàn mổ. Ảnh: Oriental Daily. |
Khi người chồng nhận thi thể vợ, anh cho biết phần cổ của cô có đầy lỗ kim, máu chảy ra từ mắt và mũi. Qua kiểm tra điện thoại di động, anh phát hiện thêm rằng trước đó, vợ đã liên lạc với Zhao - y tá tại thẩm mỹ viện. Zhao đã nhiều lần thuyết phục nạn nhân đi phẫu thuật thẩm mỹ.
Hôm xảy ra sự việc, người vợ chỉ nói với chồng rằng cô đi sửa ngực mà không tiết lộ sẽ làm thêm nhiều phẫu thuật khác.
Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy cơ sở làm đẹp trên không được cấp phép để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ. Người phụ nữ tên Zhao bị bắt và nơi này phải đóng cửa.
Không nên ham rẻ
Theo CGTN, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Song dường như vẻ ngoài đã trở thành nỗi ám ảnh quá lớn với người trẻ trong thời đại ngày nay.
Được thúc đẩy bởi nhu cầu làm bất cứ điều gì để trở nên xinh đẹp của người dân, ngành công nghiệp thẩm mỹ chui nở rộ ở Thái Lan từ năm 2018. Trong đó, “bác sĩ rong” là những người hành nghề không có giấy phép, đến tận nhà khách hàng với túi chứa thiết bị y tế để thực hiện các thủ thuật đầy rủi ro.
Khun Da (23 tuổi) là một trong vô số “bác sĩ rong” cung cấp các liệu pháp làm đẹp ở xứ chùa Vàng. Do chưa tốt nghiệp trung học, cô không có khả năng lấy bằng y khoa.
Nói với Assignment Asia, Khun Da cho biết: “Bác sĩ rong không phải là bác sĩ. Họ chỉ đơn thuần là người biết tiêm các chất làm đẹp vào cơ thể khách hàng”.
Cô nói thêm: “Nếu khách hàng cảm thấy như sắp ngất đi, chúng tôi sẽ mang đồ uống ngọt, lạnh cho họ, rồi chuyển họ tới không gian thông thoáng. Đó là tất cả điều tôi có thể làm”.
Khun Da thường mang túi chứa các thiết bị y tế tới tận nhà khách hàng để tiêm chất làm đẹp cho họ. Ảnh: CGTN. |
Cũng vì không có trình độ chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ, “bác sĩ rong” có thể khiến khách hàng tử vong. Năm 2018, vợ của Tharathip Chararat qua đời sau khi được một “bác sĩ rong” tiến hành tiêm năm chất kích thích vào mặt.
Sau khi lên cơn co giật, cô ngừng thở, mặt và môi tái xanh. Vào thời điểm nhập viện, các cơ quan nội tạng của nạn nhân đã ngừng hoạt động do thiếu oxy. Cô qua đời sau 6 ngày hôn mê.
Nhiều chuyên gia nhận định các phương pháp làm đẹp nguy hiểm đã trở thành vấn nạn trên toàn thế giới khi nhiều người ham rẻ, không tìm tới bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có uy tín vì sợ tốn kém. Họ thường đánh giá quá thấp về tác hại của các thủ thuật y tế này.
Theo The Sun Daily, sau cái chết của người mẫu Coco Siew Zhi Shing, TS Faizal Ali - Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ và Tạo hình Malaysia - cảnh báo nếu muốn cải thiện ngoại hình, mọi người nên tìm tới bác sĩ có giấy phép hành nghề trước khi dao kéo.
Ông cho biết thông tin về các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã được đăng ký với Bộ Y tế luôn sẵn có. “Mọi người có thể truy cập trang web của Bộ để kiểm tra xem bác sĩ đó đã đăng ký chưa”, vị tiến sĩ nói.
Chuyên gia cảnh báo nếu muốn cải thiện ngoại hình, mọi người nên tìm tới bác sĩ có giấy phép hành nghề trước khi dao kéo. Ảnh: Benoitmenye. |
Coco Siew Zhi Shing đã trả 2.500 RM cho buổi hút mỡ cánh tay. Trong khi đó, theo Faizal, dịch vụ hút mỡ được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng có giá dao động 5.000-30.000 RM.
Ông cho biết những người được cấp phép hành nghề y hiếm khi quảng cáo dịch vụ trên mạng do bị ràng buộc bởi các quy định của Bộ Y tế.
“Chúng tôi bị giới hạn việc quảng cáo. Còn các ‘bác sĩ phẫu thuật’ vô lương tâm thì có thể đăng bất cứ thứ gì họ muốn để câu kéo khách hàng, kể cả việc cung cấp dịch vụ với giá rẻ mạt”.
Ông Faizal cảnh báo những người có ý định dao kéo nên tìm tới các trung tâm thẩm mỹ đã được cấp phép nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
“Nếu khách hàng gặp biến chứng, bác sĩ phẫu thuật được cấp phép sẽ biết cách xử lý và giúp họ phục hồi. Còn gặp phải người hành nghề không có giấy phép, bệnh nhân không thể phàn nàn”, ông nói.
Faizal, cùng với các bác sĩ phẫu thuật khác, đã khởi xướng một Ủy ban Nâng cao nhận thức về Phẫu thuật thẩm mỹ nhằm giúp người dân Malaysia tìm thấy thông tin chính xác về vấn đề này.
GS Hugh Bartholomeusz - Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Australia - cũng từng khuyên mọi người thận trọng khi lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ. Theo ông, quá trình phẫu thuật cần được cân nhắc cả ở chất lượng chăm sóc, chứ không chỉ vì giá rẻ.