Sống biệt lập giữa rừng, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, bà Yến ở huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) đã sinh tới 13 người con.
Căn nhà của bà Hồ Thị Yến nằm biệt lập giữa rừng thuộc thôn Cát, cách trung tâm xã Trà Thanh, huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) 5 km, nơi đường đồi dốc hiểm trở. Bên trong có 15 người sinh sống bao gồm hai vợ chồng già và 13 đứa con.
Chồng bà Yến là ông Hồ Văn Kích đi làm xa hàng ngày nên ít ở nhà. Bà cho hay, cả hai vợ chồng thích có nhiều con nên lần lượt đẻ trong suốt hơn 20 năm qua. Người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi cho rằng: "Trời sinh voi sinh cỏ. Cán bộ y tế có khuyên vợ chồng tôi đến bệnh viện đình sản, không đẻ nữa nhưng tôi không có tiền", bà nói. Hiện, con lớn nhất của hai ông bà đã 26 tuổi, bé út 2 tuổi. Do ở cách xa trung tâm huyện và tiền không đủ nên mỗi lần sinh nở bà tự đẻ tại nhà. Món ăn bồi dưỡng chỉ có cháo loãng và nước suối đun sôi.
Bé Hồ Thị Bảo Nhi (5 tuổi) đã biết tự lục thức ăn mỗi khi đói bụng. Không thể chăm sóc hết cho đàn con, hàng ngày bà Yến nấu nồi cơm lớn để sẵn ở gian bếp để đứa nào đói thì tự lấy ăn.
Chính quyền địa phương phải cấp hai cuốn sổ hộ khẩu mới có thể chứa đủ các nhân khẩu trong gia đình.
Người mẹ dù đã ngoài 50 tuổi nhưng việc sinh nở vẫn khá dễ dàng. Cả 13 con bà đều đủ sữa cho con bú. "May mắn, đứa nào cũng khoẻ mạnh, ít ốm đau" bà Yến chia sẻ.
Để có nguồn nước sử dụng sinh hoạt cho gia đình, vợ chồng bà Yến nối ống dẫn nước suối từ trên núi cao về cạnh nhà để nấu ăn, tắm, giặt quần áo cho các con.
Vợ chồng bà Yến cũng cật lực đi làm thuê, làm bẫy săn bắt thú rừng bán kiếm tiền.
Mỗi ngày phát rẫy thuê bà được người ta trả công 120.000 đồng. Để có "cái ăn, cái mặc", ông Kích (chồng bà Yến) cùng các con lớn liên tục vắng nhà đi làm thuê cho dân làng ở các xã lân cận. Bốn đứa con của vợ chồng bà học chưa hết bậc THCS đã nghỉ hẳn, theo cha mẹ đi làm nương rẫy, làm thuê kiếm tiền nuôi các em.
Hiện 7 con của vợ chồng bà Yến đang ở tuổi đến trường cũng có nguy cơ bỏ học. Em Hồ Văn Lúi (13 tuổi, học sinh lớp 7, trường THCS Trà Thanh) cho biết, từ nhà đến trường phải vượt qua đường rừng xa nên em phải ở lại khu nội trú của trường. Ngày cuối tuần Lúi mới về nhà lấy gạo, rau rừng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hồ Xuân Bạn, Phó chủ tịch UBND xã Trà Thanh thống kê, từ năm 2014 đến nay, địa phương có 26 cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên, trong đó gia đình bà Yến nhiều con nhất. "Dù các hội đoàn thể của xã liên tục về các bản làng tuyên truyền sức khỏe sinh sản nhưng một số cặp vợ chồng vẫn không chịu kế hoạch dẫn tới việc sinh con đông. Tình trạng này gây ra hệ lụy, đói nghèo, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai con trẻ", ông Bạn lo ngại.