Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẹ cứu sống con gái nhờ bản năng mách bảo

Bản năng của một người mẹ giúp Tiffany Staveley, 26 tuổi (thành phố Leeds, Anh) cứu sống con gái 5 tháng tuổi.

Vào một ngày cuối tháng 9/2014, Tiffany Staveley phát hiện bé Ava Turner, khi đó mới 5 tháng tuổi, ngủ rất nhiều, có dấu hiệu mê man, hầu như không ăn và có một vài nốt đỏ tía trên mặt.

Ngày hôm sau, tình trạng của bé có dấu hiệu xấu đi khi xuất hiện thêm rất nhiều nốt đỏ tía trên chân, bàn chân, cánh tay và bụng. Staveley đã đưa con đến một phòng khám tư. Bác sĩ ở đó cho rằng Ava có thể bị mắc bệnh thủy đậu, kê một loại kem bôi có tên là Calamine lotion, dùng để làm dịu da và chống ngứa.

Nguoi me cuu song con gai nho ban nang mach bao anh 1
Toàn thân bé Ava nổi phát ban đỏ, nhưng bác sĩ của phòng khám tư đã kết luận em bị thủy đậu. Ảnh: PA Real Life,

Staveley không đồng tình với chẩn đoán của bác sĩ vì cô tin rằng Ava không hề bị thủy đậu. Con trai đầu 8 tuổi của cô từng bị thủy đậu khi còn nhỏ và các nốt ban của Ava trông rất khác. Staveley luôn túc trực chăm sóc và không chịu rời khỏi con gái.

Sự thật chứng minh Staveley đã đúng khi tình trạng của Ava xấu đi một cách nhanh chóng chỉ một ngày sau đó. Cô bé bị nôn mửa và được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Leeds.

“Đó là một quãng thời gian khủng khiếp. Nhưng thật may mắn là tôi biết có điều gì đó không ổn. Bản năng của người mẹ đã cứu sống con bé”, Staveley nói.

Tại bệnh viện, Ava được phát hiện mắc viêm màng não do phế cầu khuẩn và bệnh Kawasaki, là hội chứng viêm mạch máu kèm theo nổi ban cấp tính, gây ra tổn thương dạng nốt ở nhiều động mạch có kích thước trung bình và nhỏ, đặc biệt ở động mạch vành.

Ngay lập tức cô bé được cho dùng thuốc và liệu pháp Gamma globulin miễn dịch (IVIG) để ngăn chặn bệnh gây biến chứng lên tim mạch.

Nguoi me cuu song con gai nho ban nang mach bao anh 2
Ảnh chụp bé Ava khi đã hồi phục sức khỏe. Hiện tại, bé đã 2 tuổi. Ảnh: PA Real Life.

Bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn cũng được các bác sĩ tiến hành điều trị bằng một loại kháng sinh khác và Ava được chăm sóc cẩn thận cho đến khi cô bé bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Ava được xuất viện sau 5 ngày, nhưng cần khám sức khoẻ định kỳ trong nhiều tháng sau đó.

Cô Staveley luôn lo ngại rằng bệnh có thể có tác động lâu dài đến trái tim của Ava. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra sau đó không phát hiện được điều gì bất thường. Hiện tại, cô bé Ava đã được 2 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh.

Kawasaki được một bác sĩ Tomisaku Kawasaki người Nhật phát hiện. Đây là một bệnh hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ em và việc chẩn đoán bệnh khá khó khăn, do có nhiều triệu chứng. Dấu hiệu của bệnh có thể là sốt cao kéo dài, phát ban đỏ khắp cơ thể, môi đỏ sẫm, mọng hoặc rỉ máu, phù đỏ khoang miệng, sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Hiện nay, bệnh Kawasaki thường có thể điều trị và hầu hết trẻ phục hồi nhanh chóng, nhưng vẫn cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tái khám, theo dõi định kỳ, bởi có thể bệnh sẽ tái phát.

Minh Hải

Theo Daily Mail

Bạn có thể quan tâm