Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẹ ở TP.HCM chỉ cách tránh căng thẳng khi dạy chữ cho trẻ lớp 1

Thời gian nghỉ dịch, chị Lan Phương đã dạy cho con gái sắp học lớp 1 viết chữ, học toán, làm thủ công. Theo chị, bố mẹ cần động viên và kiên nhẫn lắng nghe khi đồng hành cùng con.

Trẻ lớp 1 tập viết chữ cùng mẹ Khánh Hà - con gái lớn của chị Phương đã cùng mẹ luyện chữ, làm toán, thủ công trong thời gian nghỉ dịch.

Vì không muốn rơi vào trạng thái khủng hoảng hoặc căng thẳng khi kèm con học, chị Lan Phương (38 tuổi) đã chuẩn bị tâm lý và tham khảo trước nhiều giải pháp khác nhau. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh việc chăm sóc gia đình, nữ phụ huynh có thời gian tranh thủ dạy học cho con gái lớn sắp vào lớp 1.

"Đối với việc dạy con học, tôi nghĩ, điều phụ huynh cần làm là kiên nhẫn, tạo thói quen học tập cho con. Từ đó con sẽ tiến bộ hơn từng ngày", chị Lan Phương nói.

Là cô giáo của con

Vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Khánh Hà - con gái lớn của chị Phương, đã phải kết thúc chương trình học mẫu giáo của mình khi chưa kịp tham dự lễ tổng kết. Con có nhiều thời gian ở nhà, chị Phương tìm cách để dạy học chữ, làm toán, thủ công.

"Trước khi có yêu cầu giãn cách xã hội, tôi đã cầm vở của con qua nhà cô giáo 'xin' chữ, để về tập viết cho bé. Tôi cũng mua sách để mẹ và con cùng học tập với nhau", chị Phương nói.

Ngày đầu tiên học viết chữ, nữ phụ huynh đã dạy cho con gái chữ cái "O". Chia sẻ với Zing, chị Phương cho biết phương pháp dạy của bản thân là để con vừa đặt bút viết, vừa đọc chữ. Mỗi khi viết, bé sẽ đọc to chữ "O" cho mẹ nghe.

Cach day tre sap vao lop 1 viet chu,  hoc toan anh 3

Chữ viết của Khánh Hà trong ngày đầu tiên học với mẹ.

Đến thời điểm hiện tại, sau 8 tháng học chữ cùng mẹ, con gái lớn của chị Phương đã có thể vừa đọc, vừa viết một đoạn văn nhỏ. Nét chữ to và thô ngày đầu cũng nắn nót và mềm mại hơn. Ngoài học chữ, Khánh Hà cũng được mẹ dạy làm toán và giải được một số đề cơ bản.

Trong hành trình cùng con tự học mùa dịch, chị Phương không muốn tạo áp lực cho con. Mỗi ngày, Khánh Hà học vào thời gian cố định, sau đó, sẽ nghỉ giải lao và tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng khác.

"Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi và con thường kể chuyện về ngày hôm nay của mình. Mỗi người sẽ nói hôm nay đã làm được chỗ nào và chưa làm được điều gì, cách để khắc phục ra sao. Con gái của tôi thường nói 'chữ nào chưa được mẹ nói con sửa nha' nên tôi không bao giờ nổi nóng khi dạy con học, vì nổi nóng cũng không có tác dụng gì", chị Phương chia sẻ.

Thấy mẹ dạy chị gái học bài, con gái thứ 2 của chị Phương (23 tháng tuổi) cũng ngồi vào bàn học nhỏ để tô màu hoặc chơi đồ hàng.

Lắng nghe và động viên đúng lúc

Ngoài thời gian học tập, để con không cảm thấy căng thẳng và thoải mái khi ở nhà thời gian dài, chị Phương thường tổ chức các hoạt động vui chơi khác nhau cho hai con nhỏ như làm bánh, bơi lội, đánh đàn…

Đối với việc tiếp xúc của con với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, nữ phụ huynh không cấm cản mà quy định thời gian để con sử dụng. Sau khi học bài xong, Khánh Hà có thể cắt dán, vẽ tranh, làm bánh, hoặc xem chương trình yêu thích trên tivi trong sự giám sát của mẹ.

Chị Phương nhận định, phụ huynh khi muốn dạy học cho con cần phải lắng nghe và động viên đúng lúc, đó là cách làm dễ nhất và khó nhất.

"Bố mẹ khi dạy con học không nên sử dụng điện thoại và hãy dạy từ cơ bản tới nâng cao. Phụ huynh cũng không nên nóng vội, so sánh với con nhà người ta. Mỗi bé có tố chất và tính cách riêng, vì vậy phụ huynh phải quan tâm xem con có điểm mạnh nào cần thúc đẩy và điểm yếu nào cần khắc phục kịp thời. Ngoài ra, không gian học tập của con cũng phải yên tĩnh, không nên có bánh kẹo hoặc đồ chơi trước mặt con trong giờ học", nữ phụ huynh nói.

Thời gian tới, Khánh Hà sẽ tham gia học trực tuyến. Để con hiểu và tiếp nhận hình thức học tập này, chị Phương đã nói cách học và tạo tâm lý thoải mái cho con. Nữ phụ huynh cũng động viên con sẽ có mẹ đồng hành và hỗ trợ trong quá trình học tập.

Trước đó, để con có thể tập trung và trật tự khi học bài, ngay từ khi Khánh Hà học mầm non, chị Phương đã tạo thói quen học tập nghiêm túc cho con. 19h mỗi ngày, nữ phụ huynh sẽ để con ngồi vào bàn học, thực hiện nhiệm vụ vẽ tranh, nặn đất sét hoặc làm những điều con thích. Sau đó, thời gian ngồi tự học của con được chị Phương tăng lên dần. Hiện tại, Khánh Hà có thể tập trung và trật tự học bài hơn 1 tiếng.

Thủ tướng: 'Các cháu học online thời gian dài ảnh hưởng tới tâm lý'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc ngày nào cũng máy tính, không được giao lưu, tiếp xúc với xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh.

Nguyễn Hằng

Ảnh: NVCC.

Bạn có thể quan tâm