“Nhỏ nhưng có võ” là lời mọi người thường nhận xét về khu vườn của chị Nguyễn Bội Như Ý (34 tuổi, quận 7). Tận dụng khoảng sân 10 m2 trước nhà, chị kê 2 hàng thùng xốp sát tường để trồng rau, chừa 6 m2 ở giữa để đi lại.
Chia sẻ với Zing, chị Ý cho biết ý tưởng tự trồng trọt được thực hiện từ cuối năm 2019, sau khi chị sinh con gái đầu lòng. Mong muốn có nguồn rau sạch để nấu ăn dặm cho bé nên chị quyết tâm làm bằng được.
Chị Ý bắt tay vào trồng rau sạch sau khi sinh con gái đầu lòng. Bé hiện được 31 tháng tuổi, còn người mẹ trẻ có 27 tháng làm vườn từ con số 0. |
Tự tay làm vườn
Gia đình kinh doanh nên từ nhỏ, chị Ý không hề biết trồng cây. Chị lên mạng tìm hiểu và tham khảo bí quyết từ mọi người.
Khi bắt tay vào làm, chị Ý khá vất vả vì kinh nghiệm bằng 0. Chị vừa trồng, vừa quan sát và tự rút ra bài học.
“Lúc đầu cây hư hoài, mình tự thấy việc trồng trọt vất vả quá và nản lòng. Tuy nhiên, khi đó mới sinh con được vài tháng, mình ngồi nghĩ đến việc ăn dặm sắp tới của bé. Con cần rau sạch nên tự nhủ bản thân phải cố gắng”, người mẹ trẻ nhớ lại.
Tranh thủ lúc con ngủ, chị Ý mua thùng xốp về cắt, đục và dùng băng keo dán, ghép để có kích thước mong muốn. Với mỗi chiếc thùng, chị đục lỗ thoát nước ở 4 bên, cách đáy 5 cm.
Theo chị Ý, làm như vậy nhằm có nước vừa đủ cung cấp cho cây, vừa đọng dưới đáy thùng giúp đất không bị quá khô và bớt hao hụt chất dinh dưỡng.
Chị Ý dùng thùng xốp để trồng cây và sắp xếp phù hợp với không gian chật hẹp. |
Để tăng thêm diện tích trồng, chị Ý thiết kế 2 tầng thùng xốp ở mỗi hàng. Phía bên trên, chị đặt thùng cỡ nhỏ và gieo các loại rau ưa sáng. Còn ở dưới là thùng to hơn, thích hợp trồng cây ưa bóng râm hoặc leo giàn như mồng tơi.
Trước khi trồng, chị Ý trộn đất tribat cùng tro, trấu, xơ dừa, phân (bò, gà, trùn quế), thêm trichoderma hoặc vôi bột để ngừa nấm. Sau mỗi vụ, chị cải tạo đất bằng cách đổ ra, nhặt bỏ rễ cây, trộn lại như ban đầu rồi cho nghỉ vài hôm trước khi trồng vụ mới.
Ngoài ra, để hạt giống nảy mầm nhanh, chị Ý ngâm và ủ hạt trước khi gieo hoặc rải ra đất, phủ nhẹ lớp đất mỏng lên trên rồi tưới nước giữ ẩm mỗi ngày.
Do khu vườn ở vị trí thiếu nắng, chị Ý chỉ tưới nước một lần/ngày. Hàng tuần, chị dùng nước vo gạo hay dùng phân bò, trùn quế pha loãng với nước rồi tưới rau 1-2 lần để bổ sung dinh dưỡng. Thỉnh thoảng, người mẹ trẻ pha loãng trichoderma với nước để tưới giúp rau khỏe mạnh hơn.
“Mỗi loại cây đều có đặc tính khác nhau nên mình đều tìm hiểu kỹ để xác định vị trí trồng và cách chăm sóc phù hợp. Về phòng trừ sâu bệnh, mình không dùng thuốc hóa học mà thường soi đèn bắt bằng tay vào buổi tối hoặc sáng sớm. Mình cũng tận dụng rác thải nhà bếp để ủ làm dung dịch tưới cho cây”, chị chia sẻ.
Do ông xã bận rộn, chị Ý tự mình chăm sóc khu vườn và nhờ chồng hỗ trợ khi khoan tường làm giàn leo.
“Nhỏ nhưng có võ” là lời mọi người thường nhận xét về khu vườn của chị Ý. |
Niềm vui của cả nhà
Hiện tại, chị Ý trồng cả vườn cải kale. Theo chị, tuy khó trồng, đây được coi là “nữ hoàng của các loại rau” vì hàm lượng dinh dưỡng cao.
“Trước kia, mình trồng nhiều rau và cả cây ăn trái, loại nào cũng đạt. Khi biết đến kale, mình dẹp gần như toàn bộ vườn để trồng”, chị nói.
Từ khi có khu vườn, gia đình chị Ý ít phải mua rau ở ngoài hơn. Các em gái của chị thích xay kale uống nên chị thường mang tặng họ.
Bên cạnh cung cấp rau sạch quanh năm, khu vườn 4m2 còn mang lại nhiều niềm vui cho gia đình chị Ý.
Chị Ý hạnh phúc khi con có rau sạch ăn và không gian chơi đùa mỗi ngày. |
“Vườn rau xanh mướt nên mình và chồng con đều rất thích ngắm. Mỗi khi ra đây chơi, ai cũng vui vẻ. Không gian sống của gia đình cũng được tô điểm và mát mẻ hơn. Nhiều bạn khen ý tưởng sắp xếp khu vườn của mình hay và học theo. Nông dân nơi đô thị rất khó có vườn rộng, nhưng dù nhỏ mà vẫn trồng đủ rau cho gia đình thì càng ý nghĩa. Mình cảm thấy rất vui và phấn khởi”, chị nói.
Đúng như mong muốn ban đầu, chị Ý hạnh phúc khi nhìn con gái thưởng thức món ăn được mẹ nấu từ rau ở vườn nhà. Đây là động lực để chị tiếp tục chăm sóc, cải tạo khu vườn mỗi ngày.