"Đọc xong một cuốn tiểu tuyết trong 5 phút, tốc độ đọc một trang sách chỉ từ 1-3 giây", đó là những lời chào mời thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng của Trung Quốc trong vài năm gần đây. Với hơn 30.000 nhân dân tệ (hơn 4.500 USD), học sinh sẽ được đào tạo để trở thành "siêu trí tuệ", "người có bộ não mạnh mẽ nhất".
Tháng 12/2019, bà Vương, người muốn con trai "cá chép hóa rồng", đã đăng ký cho bé theo học khóa "luyện não" ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Trước đó, bà được giới thiệu khóa đào tạo sẽ rèn luyện toàn bộ trí não và giúp trẻ phát triển não phải.
Tuy nhiên, sau gần một năm, học lực của con bà Vương vẫn không được cải thiện, thậm chí có phần thụt lùi so với trước. Xếp hạng toàn trường của cậu bé chỉ dừng lại ở hạng 800.
Nghi ngờ cơ sở đào tạo phóng đại, bà Vương yêu cầu giải thích. Tuy nhiên, cơ sở cho rằng người mẹ đang cố tình gây khó dễ để đòi tiền.
Những khóa luyện đọc nhanh, luyện não được quảng cáo rầm rộ ở Trung Quốc. Ảnh: Pearvideo. |
Đọc một cuốn tiểu thuyết trong 5 phút?
Theo thông tin bà Vương cung cấp, tổ chức này hứa hẹn với phụ huynh sẽ đào tạo học sinh theo phương pháp "khai sáng, phát triển tiềm năng toàn não bộ" để giúp trẻ phát triển não phải.
Bản hợp đồng thỏa thuận đào tạo nêu rõ, cơ sở áp dụng phương pháp đọc nhanh. Các văn bản được tự động truyền vào não bộ với tốc độ ánh sáng. Sau khi đọc hết cuốn tiểu thuyết trong 5 phút, học sinh sẽ sử dụng những hình ảnh được truyền vào não để kể lại nội dung vừa đọc.
Học sinh lớp 3 đến lớp 7 có thể đọc một trang sách trong 1-3 giây, học sinh lớp 7 đến lớp 8 có thể học 20-100 từ tiếng Anh trong 5 phút, bằng cách đọc một trang sách trong 3-6 giây.
"Đây là phương pháp đào tạo nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa hai bán cầu nào", cơ sở đào tạo nhấn mạnh.
Do áp dụng phương pháp hiện đại, các gia đình phải đóng một khoản phí lớn. Dù điều kiện gia đình không khá giả, bà Vương vẫn cố cho con đi học. Bà hy vọng con trai học lớp 6 có thể trở thành người có bộ não mạnh mẽ nhất. Nhưng sau một thời gian thấy con không tiến bộ, người mẹ hối hận.
"Một ngày, con nói tôi có thể đến trung tâm đó dạy học vì giáo viên còn kém hơn tôi", bà Vương tâm sự.
Dù trong lòng thấp thỏm, bà Vương vẫn cho con học tiếp. Đến cuối năm 2020, bà mẹ tá hỏa khi phát hiện học lực của con trai giảm sút. Trước khi tham gia khóa "luyện não", cậu bé xếp hạng 300 toàn trường, nhưng hiện tại em bị giảm 500 hạng, xếp thứ 800. Tiếng Anh và Tiếng Trung là hai môn cậu bé có thành tích kém nhất.
Cơ sở đào tạo từ chối giải quyết khiếu nại
Cảm thấy bị lừa, bà Vương quyết định thương lượng và yêu cầu hoàn tiền. Tuy nhiên, phía trung tâm từ chối, cho rằng lý do "không hài lòng với kết quả giảng dạy" do bà Vương đưa ra là không hợp lệ. Chữ ký xác nhận của bà cũng bị cơ sở rút về.
Được biết, các khóa đào tạo tại đây được thực hiện theo từng giai đoạn và sẽ có bài kiểm tra năng lực. Với mỗi bài thi, phụ huynh sẽ phải ký tên xác nhận và gửi ý kiến đóng góp.
Thực tế, trẻ tham gia khóa học không thể hoàn thành bài thi 100%. Nhưng giáo viên trấn an phụ huynh nên đưa ra những ý kiến nhận xét tốt để khích lệ sự tự tin cho trẻ. Thương con, muốn cậu bé có thêm động lực, bà Vương quyết định nhắm mắt đưa chân, ký vào những bản xác nhận để con học tiếp.
Khi phóng viên liên hệ với trung tâm, hiệu trưởng Triệu cho biết con của bà Vương nổi loạn, thiếu kỷ luật nên rất khó đào tạo. Về việc hoàn học phí, cơ sở không thể đáp ứng.
Ban đầu, ông Triệu đề xuất hoàn học phí những khóa con bà Vương chưa học, nhưng bà không chấp nhận. Cuối cùng, trung tâm đề nghị hoàn lại 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.500 USD), bà mẹ vẫn cảm thấy không thỏa đáng.
Đối với nhận xét của bà Vương về chất lượng đào tạo không như mong muốn, ông Triệu nhấn mạnh mọi giai đoạn dạy học đều phải thông qua phụ huynh. Nếu cha mẹ không ký tên, trẻ sẽ không được tham gia giai đoạn mới.
"Chữ ký của cha mẹ thể hiện rằng họ hài lòng với kết quả học của con", ông Triệu nói với Liaoning Daily News, đồng thời cho rằng hành động của bà Vương là cố tình gây khó dễ để đòi tiền.
Về câu hỏi có thể đọc một cuốn tiểu thuyết trong 5 phút hay không, ông Triệu khẳng định có, không phải là quảng cáo phóng đại. Điều này trở thành sự thật nếu trẻ hợp tác và tham gia hệ thống đào tạo bài bản của cơ sở. Tuy nhiên, mỗi trẻ có khả năng tiếp thu khác nhau, kết quả sẽ không thể đồng nhất, sẽ có sự chênh lệch nhỏ.
Trường hợp của con trai bà Vương không phải duy nhất. Tháng 12/2020, Sandong News đưa tin một số phụ huynh cho con theo học khóa rèn luyện trí tuệ tại một trung tâm ở tỉnh Sơn Đông nhưng không hiệu quả, nhiều em lực học bị giảm sút.
Theo báo cáo của phòng giáo dục tỉnh, cơ sở trên vi phạm nhiều quy định về tổ chức đào tạo, nhiều giáo viên không có giấy phép giảng dạy. Hiện, trung tâm bị điều tra, xử lý. Đại diện phòng giáo dục nhấn mạnh việc đọc sách trong 5 phút và phản khoa học, thiếu cơ sở.
Đến tháng 1/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo điều tra và xử lý các cơ sở "luyện não" bất hợp pháp. Trong đó, nhiều cơ sở tại Tứ Xuyên, Bắc Kinh, Thâm Quyến đã tổ chức dạy học mà không có giấy phép.