Mới đây, TAND TP HCM đã xét xử vụ bị cáo Phạm Thị Tứ bị truy tố về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Đứng trước vành móng ngựa, người phụ nữ 22 tuổi đau khổ, thẫn thờ. Cô tỏ ra ăn năn hối hận vì hành động lúc nông nổi của mình. Cái đau nhất của cô chính là không biết ngày nào mới nhìn thấy mặt con; liệu cô và đứa con thơ mới hai tuổi đến bao giờ mới có thể kề cận bên nhau hạnh phúc như trước đây.
Trước đó, sau khi ra công an đầu thú, bị cáo được cho tại ngoại vì có con nhỏ dưới 36 tháng.
Theo hồ sơ, Tứ và anh Nguyễn Tố Hoàng là vợ chồng, tạm trú ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP HCM), có một con chung hai tuổi. Trưa 8/6/2014, anh Hoàng kiểm tra thông tin tài khoản trên thẻ ATM của vợ thì phát hiện có 1,1 triệu đồng. Nghi ngờ vợ giấu tiền riêng, anh Hoàng hỏi Tứ về nguồn gốc số tiền. Tứ giải thích cho chồng biết đây là tiền trợ cấp trong thời kỳ sinh con nhưng anh Hoàng không tin, dẫn đến vợ chồng cãi nhau.
Lời qua tiếng lại, bị chồng đánh nhiều vào mặt, Tứ bỏ đi xuống bếp. Anh Hoàng thấy vậy cũng xuống theo, sau đó tiếp tục dùng cây chày giã tiêu bằng gỗ đánh vào đầu Tứ. Lúc này, Tứ một tay bế con, một tay lượm con dao đâm một nhát trúng vào ngực chồng.
Bị đâm, anh Hoàng bỏ chạy ra ngoài phòng trọ, sau đó ngã gục. Tứ thấy vậy liền ném dao, chạy ra đưa chồng đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết đâm trúng tim nên anh Hoàng đã qua đời.
Làm việc tại cơ quan công an, Tứ cứ khóc miết. Giờ cô mới ý thức được việc làm nhất thời của mình đã khiến con thơ mất cha và xa cả mẹ. Con cô trong vòng tay của người thân cũng khóc thét khi thiếu vòng tay chăm bẵm của mẹ...
Tứ sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, học cũng không đến nơi đến chốn, vào Sài Gòn làm công kiếm sống. Tại đây, Tứ gặp anh Hoàng làm thợ cơ khí. Hai người mến nhau vì cùng quê rồi nảy sinh tình cảm và tiến đến hôn nhân. Cái nghèo cứ đeo bám đôi vợ chồng trẻ dẫn đến cả hai cắng đắng nhau trong cuộc sống hằng ngày. Rồi Tứ có thai và về quê sinh nở, sau đó mới quay lại Sài Gòn với chồng.
Tại tòa, Tứ chỉ mong được gặp và nuôi con. Bởi sau khi vụ án xảy ra, phía nội đã đem cháu về chăm sóc. Trong suốt quá trình điều tra đến nay, gia đình này luôn có nguyện vọng được nuôi cháu nhỏ và không yêu cầu bồi thường.
Trong phần tranh luận, luật sư của nạn nhân càng xoáy sâu vào nỗi đau của người mẹ trẻ cho rằng Tứ không có khả năng nuôi con, nếu có đứa nhỏ cô khó đi thêm bước nữa... Và đặc biệt, nữ luật sư cho rằng bị cáo nghèo, biết làm gì để nuôi con. Luật sư còn “kết” bị cáo là một phụ nữ ghê gớm, có ý định che giấu việc phạm tội để đề nghị HĐXX tăng án với Tứ.
Tứ không đủ chữ nghĩa để đáp lại, chỉ biết khẳng định rằng mình đủ khả năng và điều kiện nuôi con. Lúc trước, chồng đi làm xa nhà nhiều ngày, lương cũng không là bao, Tứ cũng đảm đang được mọi gánh nặng tại nhà...
Giờ nghị án, Tứ cô độc giữa chốn công đường khi đâu đó có những phụ nữ khác chì chiết mình. Theo họ, Tứ làm gì có khả năng nuôi con khi đi bán vé số.
Cuối cùng, tòa tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù và bồi thường hơn 148 triệu đồng. Riêng phần ai nuôi đứa trẻ, tòa cho rằng đây là vụ việc dân sự nên không xem xét tại phiên tòa.
Nhìn theo Tứ lầm lũi sau phiên xử, nhiều người vừa thương vừa tội cho người mẹ còn quá trẻ phải xa con để sống những ngày tù tội...