Từ sáng sớm nhiều hộ gia đình ở Hà Tĩnh đã lấy đất, cát đổ vào bao tải, mang lên mái nhà, mái tôn chằng chéo tránh bị tốc mái.
Bà Nguyễn Thị Quế (51 tuổi) trú xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết gia đình còn hai ông bà, nghe đài báo bão, từ sáng hai vợ chồng phải dùng cát bỏ vào bao bì mang lên đặt trên mái nhà, tránh bị tốc mái khi bão vào.
“Năm nào cũng thế, nghe bão là gia đình tôi lại mang cát, đất bỏ vào bao đặt khắp mái nhà”, bà Quế nói.
Người dân Hà Tĩnh chặn bao cát đề phòng tốc mái nhà. Ảnh: Phạm Trường. |
Tại vùng biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhiều ngư dân cũng đang tất bật cho việc neo đậu tàu thuyền, thu dọn dẹp ngư cụ tránh trú cơn bão số 10 sắp đổ bộ.
Nhiều hàng quán, nhà dân sống cạnh bờ biển cũng thu dọn đồ đạc, chuyển về khu vực an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hậu, trú xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết gia đình ông mới ra khơi khoảng 3 ngày, nhận được thông tin báo bão mạnh nên phải cho thuyền quay trở vào bờ để tránh trú.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết trước thông tin cơn bão số 10 sắp đổ bộ, sáng 14/9, Sở này đã có cuộc họp lãnh đạo Phòng giáo dục các huyện, thị xã và phát đi thông báo cho học sinh các cấp nghỉ học trong hai ngày 15, 16/9 để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Cũng trong sáng nay, Sở đã thành lập 13 đoàn công tác về các phòng giáo dục, cơ sở đào tạo để có phương án phòng chống bão lũ khi xảy ra.
Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, đình chỉ tất cả các cuộc họp từ tỉnh, huyện cho đến xã để tập trung phòng chống bão.
Tỉnh lên kế hoạch sơ tán hơn 139.000 người dân thuộc 141 xã, phường, thị trấn khi bão mạnh đổ bộ vào địa bàn.
Tổng số hồ chứa trên địa bàn là 131 hồ đạt 45-75% dung tích thiết kế. Trước mùa mưa bão, tỉnh đã kiểm tra, rà soát và vận hành thử các cửa tràn, khắc phục hư hỏng, không tích nước đối với các hồ không an toàn, đảm bảo cho hạ du.
Chiều 14/9, tất cả học sinh trong tỉnh được cho nghỉ học đến khi bão xong. Ngành giáo dục yêu cầu giáo viên tập trung công tác chằng chống trường lớp, đưa các thiết bị dạy và học lên vị trí an toàn, dùng túi nylon bọc sách vở.
Tàu thuyền neo đậu tại xã Triệu An, Triệu Phong . Ảnh: Văn Được. |
Tàu thuyền đã vào bờ thì phải kiểm tra việc neo đậu một cách khoa học để khi bão vào không bị va chạm vào nhau tránh bị vỡ, cảnh báo người dân không được ở lại trên tàu thuyền khi bão vào. Tại các hồ nuôi thủy sản, tuyệt đối không cho người dân ở lại trên các chòi canh.
Tại Quảng Bình, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố cử cán bộ túc trực 24/24 theo dõi diễn biến bão, phân công lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Các địa phương trong tỉnh cần rà soát phương án, chuẩn bị, chủ động tổ chức sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, nhà ở không bảo đảm an toàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý sơ tán người dân các vùng ven biển, vùng có khả năng ngập do nước biển dâng cao tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển 500 m; vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng thường xuyên ngập lụt sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Sáng 14/9, UBND tỉnh Nghệ An ra lệnh cấm biển đồng thời kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm cách vào nơi trú ẩn an toàn. Từ buổi sáng, người dân các huyện, thị xã ven biển như Thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã tổ chức chằng chống, neo thuyền để đảm bảo kiên cố chuẩn bị đón bão.
Các nhà hàng ở biển Cửa Hội (Nghệ An) rút kinh nghiệm đưa dây thừng lên chằng mái tôn, tránh gió bão tốc mái. Ảnh: Phạm Hòa. |
Ông Nguyễn Khắc Vương, chủ một tàu cá tại phường Nghi Hòa cho biết nghe tin cơn bão số 10 sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Nghệ An, ông cùng các thuyền viên khác đã đưa tàu cá vào bờ. Đến sáng nay, ông đã neo đậu tại cảng, thu dọn dẹp ngư cụ và sẵn sàng đón cơn bão số 10 sắp đổ bộ.
Nhà hàng Lam Giang cùng nhiều hàng quán khác đóng tại bãi biển Cửa Hội đã huy động nhân viên để chằng chống nhà cửa, chòi để chuẩn bị đón bão. Đồ đạc, tài sản giá trị được về nhà
Rút kinh nghiệm từ những lần trước, các hộ dân đều đưa dây thừng để chằng mái tôn, tránh việc bão thổi tốc mái.
Sáng 14/9, thời tiết Thanh Hóa có mưa nhỏ, mây mù. Tại TP Sầm Sơn, hàng nghìn ngư dân đánh bắt gần bờ bằng phương tiện bè mảng dừng ra khơi. Họ tập trung di chuyển bè mảng, ngư lưới cụ lên bờ tránh bão. Không khí ứng phó bão số 10 của các ngư dân rất khẩn trương.
Đến 10h30, ngư dân ở các phường Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn... đã cùng nhau di chuyển hàng nghìn chiếc bè mảng lên dọc hai bên vỉa hè đường Hồ Xuân Hương. Các phương tiện được để san sát nhau, khá gọn gàng, ngay ngắn.
“Cơn bão này được dự báo rất mạnh. Chúng tôi phải di chuyển bè mảng lên đây để tránh sóng lớn đánh vỡ mất phương tiện là cần câu cơm của gia đình”, lão ngư tên Đông nói.
Ngư dân Sầm Sơn di chuyển thuyền bè lên bờ tránh sóng đánh vỡ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Trong một diễn biến khác, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho hay đến 8h ngày 14/9, còn 3 phương tiện tàu thuyền với 33 ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang đánh bắt thủy hải sản tại vùng biển Vịnh Bắc bộ vẫn chưa liên lạc được. Hiện chính quyền địa phương và gia đình đang tìm cách liên lạc với 3 tàu trên để kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, trong đó có 6.177 phương tiện với 20.232 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn tại các bến, bãi, âu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Thanh Hóa vẫn còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Các phương tiện này đang giữ liên lạc và tìm cách trú ẩn.
Tại Thừa Thiên - Huế, khoảng 11h cùng ngày, gió giật mạnh khiến một cây xanh bật gốc ngã đè lên ôtô công vụ, đang lưu thông trên cầu Vỹ Dạ (TP Huế, Thừa Thiên - Huế). Vụ tai nạn khiến phần kính xe bị vỡ, rất may không có thương vong về người. Tuy nhiên, sự việc khiến giao thông ở tuyến đường qua cầu bị ách tắc gần một giờ liền.
Sáng cùng ngày, mưa to, gió giật đã xuất hiện ở vùng ven biển thành phố Huế.
Sáng 14/9, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các ngành và địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Ông Thơ, cho biết địa phương đã nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền vươn khơi. Đến sáng nay, các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.
Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện để làm nhiệm vụ ứng phó với bão. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đến 5h sáng 14/9, thành phố còn 162 phương tiện với hơn 1.300 lao động đang hoạt động trên biển.
Trung tá Nguyễn Tống Khương, Trực ban tác chiến, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng), cho hay đơn vị chuẩn bị 5 tàu, 10 xuồng, 300 phao cứu sinh và 450 cán bộ chiến sĩ để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đến trưa nay, chủ các tàu thuyền đã nhận được thông báo hướng đi của bão và đang tìm cách vào nơi trú ẩn an toàn.