Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mong ước đưa thư pháp Việt ra thế giới

Đam mê viết thư pháp từ khi còn là cậu học sinh trung học, Dương Minh Hoàng ngày càng tiến gần hơn tới ước mơ giới thiệu thư pháp Việt với bạn bè quốc tế.

Năm hết Tết đến, hình ảnh những ông đồ xuống đường cho chữ không còn xa lạ trong văn hóa Việt. Những ai có niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt chắc hẳn sẽ biết đến ‘ông đồ’ Dương Minh Hoàng (sinh năm 1985, đến từ TP HCM).

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, Minh Hoàng đã có 17 năm gắn với thư pháp và 10 năm hành nghề.

Người trẻ thích thư pháp

Nhắc đến nghệ thuật thư pháp, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến những người đứng tuổi bởi không phải người trẻ nào cũng có thể cảm nhận được sự đặc biệt của nét văn hóa này.

Dương Minh Hoàng là một minh chứng điển hình cho những người trẻ có đam mê “già” hơn tuổi. Khi còn là một học sinh trung học cơ sở, Minh Hoàng đã bị thu hút kỳ lạ bởi những bức vẽ thư pháp.

Dương Minh Hoàng có 10 năm trong nghề. 

“Trong một lần được tham quan một buổi triển lãm thư pháp, mình “mê mẩn” với những bức vẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bản thân mình lại luôn có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa dân tộc nên càng mong ước được chung bước với hành trình thư pháp Việt”, chàng trai 8X chia sẻ.

Những ngày khi mới bắt đầu, Minh Hoàng cũng gặp khá nhiều khó khăn. Có lần anh không biết mua bút lông viết chữ ở đâu nên dùng cọ để vẽ thiệp tặng cô giáo vào ngày 20/11.

“Mình run lắm vì đây là bức tranh nhỏ đầu tay của mình. Khi trao tay cô món quà này mà bản thân hạnh phúc vô cùng. Cho đến bây giờ, mỗi khi đến thăm cô mình vẫn nhìn thấy bức tranh ấy. Đó là kỷ niệm đầu tiên với thư pháp Việt mà mình lưu giữ mãi trong tim”, chàng trai 8X chia sẻ.

Cách thức chọn bút, chọn mực, chọn chất liệu phù căn bản trong thư pháp rất dễ nhưng không phải ai cũng nắm bắt được nếu không bỏ công. Minh Hoàng cho biết, anh phải mất một năm mới có thể có được kinh nghiệm chọn loại bút lông cho phù hợp bởi không có người chỉ dạy mà chỉ tự mày mò thử qua các loại bút khác nhau.

Sau nhiều năm tự nghiên cứu, Dương Minh Hoàng đã dần xây dựng được kỹ thuật viết thư pháp của riêng mình được nhiều người biết đến như hiện tại.

Vấp phải sự phản đối của cha mẹ

Yêu thích nghệ thuật thư pháp Việt từ khi còn là học sinh, thế nhưng khi lớn lên, chàng trai Minh Hoàng lại theo học tại một trường cao đẳng cơ khí theo ý muốn của cha mẹ.

Anh kể: “Gia đình vì yêu quý mình nên mong mình có một cái nghề để có thể sống. Bố mẹ mình nghĩ viết chữ thì khó mà làm giàu hay sống được. Thế nên mình nguyện theo những điều gia đình mong muốn”.

Theo đuổi đam mê với Minh Hoàng không bao giờ là muộn.

Tuy nhiên, sau khi học xong, Minh Hoàng không từ bỏ mà tiếp tục hành trình đam mê của mình. “Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau. Mình không muốn làm bố mẹ phiền lòng nên đã đi học. Mình cũng quan niệm, theo đuổi đam mê không bao giờ là quá muộn”, ông đồ trẻ chia sẻ.

Theo đuổi thư pháp không phải là việc dễ dàng mà cần cả một quá trình. Trong thời gian học nghề cơ khí, chàng sinh viên Minh Hoàng vẫn trau dồi kiến thức về bộ môn nghệ thuật này mỗi ngày. Anh đi làm thêm tại các cửa hàng thư pháp và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Đến khi ra trường, Minh Hoàng đã nhanh chóng trở thành một “ông đồ” trẻ đích thực.

“Mình may mắn được làm việc ở xưởng tranh thư pháp của một người anh. Ở đó mình đã học được rất nhiều từ việc chọn giây, cắt giấy ra sao cho phù hợp…”, Minh Hoàng chia sẻ.

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, có những lúc gặp khó khăn do không sắp xếp được việc học, gia đình không mấy đồng tình mà Hoàng muốn bỏ cuộc. Mỗi lúc như vậy, anh lại tìm đến những con chữ để có thêm động lực theo đuổi đam mê tới cùng.

“Lu bù” hoạt động cuối năm

Là một người dày dặn kinh nghiệm về nghệ thuật thư pháp Việt, Dương Minh Hoàng đã tham gia rất nhiều hội quán và chương trình liên quan đến thư pháp.

Anh cũng có nhiều tác phẩm thu hút được sự quan tâm từ những người yêu nét văn hóa nghệ thuật này. Đặc biệt, ông đồ trẻ là kỷ lục gia Việt Nam với tác phẩm Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ dài 40 m, rộng chừng 1,5 m vào năm 2013.

Cuối năm là thời điểm vô cùng bận rộn của những ông đồ trẻ.

Bên cạnh đó, Dương Minh Hoàng cũng có hội quán của riêng mình và mở lớp hướng dẫn những người muốn tìm hiểu và yêu thích thư pháp Việt.

Thời điểm cuối năm, ông đồ trẻ cũng khá bận rộn với công việc cho chữ.

“Năm nào cũng vậy, 10 ngày cuối năm mình sẽ ra phố ông đồ NVH Thanh Niên để tham gia hoạt động cho chữ ngày Tết. Công việc khá bận rộn, mình ra khỏi nhà từ 7h sáng và đến 11h đêm mới về. Tuy nhiên, bản thân vẫn cảm thấy rất vui khi có thể truyền cảm hứng cho mỗi người xin chữ”, Minh Hoàng chia sẻ.

Ra Tết, anh Hoàng cũng có kế hoạch cho chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Anh cho biết, năm nào anh cũng có hoạt động này và cảm thấy thực sự ý nghĩa khi được chia sẻ với mọi người về nét văn hóa Việt.

Trong tương lai, anh Minh Hoàng dự định xuất bản hai cuốn sách và tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu để có thể hoàn thiện mình hơn trong thư pháp Việt.

“Mình mong được sống và sáng tác nhiều hơn nhằm chia sẻ và giới thiệu rộng rãi bộ môn thư pháp Việt này tới không chỉ riêng cho người Việt Nam mà với cả bạn bè quốc tế”, chàng trai 8X chia sẻ.

Ông đồ 16 tuổi ở phố thư pháp Sài Gòn

Làm việc từ 6h sáng đến khuya, ông đồ trẻ nhất phố thư pháp TP HCM - Võ Tuấn Xuân Thành - chỉ có thời gian lên mạng hoặc đọc sách vào lúc trước khi đi ngủ.

Hàn Triệt

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm