Callie Heim bị lừa một số khoản tiền khi xin việc làm. |
Đầu tháng 6, Callie Heim (22 tuổi) háo hức khi trúng tuyển vào Waymo, công ty xe hơi tự lái tại Mỹ, với vị trí nhân viên quảng cáo. Trước đó, Heim đã có một năm khó khăn khi mẹ qua đời, cô phải chuyển về nhà sống cùng gia đình và đang tập thích nghi với cuộc sống sau đại học.
Trong loạt video đăng trên TikTok, cô gái 22 tuổi kể lại cách cô nộp đơn xin việc thông qua chức năng “Easy Apply” của LinkedIn và trải qua quá trình phỏng vấn cam go nhưng đầy hứa hẹn.
Yêu cầu mua sắm công cụ làm việc
Đầu tiên, Heim phải trả lời một số câu hỏi về chuyên môn của mình thông qua Wire, ứng dụng nhắn tin mã hóa. Sau đó, Heim được mời đến cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào hôm sau.
Vài ngày tiếp theo, cô được đề nghị điền thêm mẫu đơn tuyển dụng, nộp bản scan bằng lái xe và gửi thông tin ngân hàng để thiết lập cho khoản tiền gửi trực tiếp.
Heim cho biết cơ hội này giống như một bước ngoặt giúp cô cảm thấy tâm trạng phấn khởi hơn.
Nhưng niềm vui đã nhanh chóng biến mất khi cô nhận được tin nhắn từ người quản lý, yêu cầu nhân viên mới phải mua máy tính xách tay và điện thoại cơ quan từ cổng công ty để phục vụ cho công việc từ xa.
Họ sẽ gửi cho cô một tấm séc để hoàn trả chi phí nhưng Heim cần ứng tiền trước.
Sau khi thanh toán, chờ đợi nhiều ngày nhưng không thấy bưu kiện được gửi đến, Heim mới nhận ra mình đã bị lừa.
Lừa đảo liên quan đến tuyển dụng bùng nổ từ năm 2020, khi nhiều người mất việc do đại dịch. Ảnh: Insider. |
“Từ đi từ háo hức đến suy sụp chỉ trong một tháng”, cựu sinh viên Đại học Towson nói với CNBC.
Trên thực tế, đây được gọi là trò lừa đảo liên quan đến việc làm. Những tên tội phạm sẽ lợi dụng lòng tin để nạn nhân gửi tiền, sau đó chúng sẽ hoàn lại bằng một tấm séc không giá trị.
Đôi khi, mánh khóe sẽ thay đổi bằng cách chúng gửi chi phiếu trước, yêu cầu “con mồi” đặt cọc và mua một số vật dụng theo yêu cầu.
May mắn, Heim nhận ra chiêu trò này trước khi gửi thêm bất kỳ khoản tiền nào cho những kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, cô phải khóa tài khoản ngân hàng đã bị xâm nhập và đóng băng hạn mức tín dụng.
Đến hiện tại, tâm trạng của Heim vẫn rất tệ vì trải nghiệm này.
“Khi được mời phỏng vấn, tôi đã vui mừng đến mức chia sẻ cho tất cả bạn bè, gia đình. Nhưng giờ đây tôi thấy xấu hổ khi dính phải công việc giả. Sau vụ này, ít nhất tôi đã có thêm kinh nghiệm để lần sau không rơi vào bẫy của chúng”, cô bày tỏ.
Chiêu trò phổ biến
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, người Mỹ đã bị lừa mất 86 triệu USD do các trò giả mạo cơ hội việc làm trong quý II năm 2022. Ngoài ra, 21.600 vụ đã được báo cáo với khoảng 1/3 trong số đó bị tổn thất tài chính.
Rhonda Perkins, luật sư kiêm chánh văn phòng Bộ phận Thực hành Tiếp thị của FTC, cho biết lừa đảo liên quan đến tuyển dụng là một vấn đề dai dẳng đã bùng lên vào năm 2020 khi bọn tội phạm lợi dụng những người bị mất việc do Covid-19.
Thông qua nhiều hình thức, những kẻ xấu có thể đóng giả là nhân viên hoặc cơ quan chức năng và đề nghị nạn nhân nộp một khoản phí cho các dịch vụ của chúng. Với lời hứa có thể kiếm tiền tại nhà, nhóm người này khiến “con mồi” phải thực hiện theo.
Theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), một số dấu hiệu cảnh báo cần chú ý trong quá trình tìm việc là nhà tuyển dụng liên hệ với ứng viên thông qua các miền email không phải của công ty, cuộc phỏng vấn không được thực hiện trực tiếp mà trên một ứng dụng hội nghị từ xa, yêu cầu mua thiết bị hoặc trả tiền cho việc sàng lọc lý lịch…
Những tên lừa đảo sẽ nhắm đến nhóm cần tìm việc làm và muốn kiếm tiền từ xa. Ảnh: Wired UK. |
Sau khi bị lừa, Heim đã nghỉ ngơi vài tuần và nhanh chóng quay lại rải hồ sơ ứng tuyển. Lần này cô cảnh giác hơn khi tiếp nhận thông tin từ các trang web.
“Thật hấp dẫn khi sử dụng ‘Easy Apply’ của LinkedIn để tiếp cận hàng loạt công việc. Nhưng nếu dành thời gian để viết thư xin việc và liên hệ trực tiếp với công ty, tôi nghĩ sẽ chắc chắn hơn”, Heim nói thêm.
Ngoài ra, cô gái 22 tuổi còn đưa ra lời khuyên không nên cung cấp số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cho đến khi ký hợp đồng chính thức. Chú ý các tin tuyển dụng xuất hiện trên mạng nhưng lại không tìm thấy trên trang web chính của công ty và hồ sơ của người phỏng vấn, nhà quản lý không minh bạch, rõ ràng.
“Bạn không bao giờ biết mình đang thực sự nói chuyện với ai. Sự ngây thơ đã dạy cho tôi một bài học đắt giá. Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp mọi người tránh bị lừa”, Heim bày tỏ.
Về phía LinkedIn, công ty này cho hay họ có nhiều tài nguyên để giúp người tìm việc phát hiện và tránh bị lừa đảo.
Người phát ngôn của LinkedIn nói rằng hồ sơ giả mạo và hoạt động gian lận là chống lại chính sách người dùng và nền tảng này sẽ sử dụng “biện pháp bảo vệ tự động và thủ công” để phát hiện, giải quyết các vi phạm.