New Zealand nằm ở tây nam Thái Bình Dương, rất thu hút du khách bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp cùng các hoạt động leo núi và đi bộ đường dài. Số lượng du khách đến quốc gia nhỏ bé và yên bình này càng được tăng lên kể từ sau khi được sử dụng làm bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng thế giới như Chúa tể của những chiếc nhẫn, và phim Hobbit.
Cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, thời tiết dễ chịu, người dân hiếu khách, thân thiện và nói tiếng Anh là những yếu tố để New Zealand tiếp tục đón nhận lượng khách lớn trong những năm tới. Dự kiến với 5,4 % tăng trưởng hàng năm, lượng du khách đến đây sẽ đạt 4,5 triệu vào năm 2022.
Đi bộ đường dài, leo núi, đạp xe là những hoạt động rất được yêu thích ở New Zealand. Ảnh: Jonathan Kennett. |
Với nhiều quốc gia trên thế giới, sự gia tăng lượng khách quốc tế là một niềm vui, một yếu tố góp phần thúc đẩy kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhưng không phải tất cả người New Zealand thấy vui vì điều này.
Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Du lịch cho thấy khoảng 1/5 dân số New Zealand nghĩ rằng đất nước đang thu hút quá nhiều khách du lịch, dẫn đến sự gia tăng các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, không đủ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng.
Jay Finlayson, thành viên Hội leo núi quốc gia, cho biết nhiều người đến New Zealand nghỉ hè sẽ tác động đến các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bãi đậu xe, khu cắm trại bị quá tải, thậm chí du khách phải giải trí trên đất của tư nhân.
Những địa điểm như công viên quốc gia Abel Tasman đông kín du khách trong dịp Giáng sinh vừa qua. Hiện nay, du khách phải đặt lều trước nhiều tháng. Các khu vực cắm trại mọc lên dày đặc trên đường leo núi, khiến hành trình chinh phục thiên nhiên tốn thời gian hơn.
Ngày càng có nhiều người New Zealand khó chịu vì phải nhận và chi trả cho các hóa đơn liên quan đến cơ sở hạ tầng, loại bỏ chất thải, vệ sinh các khu cắm trại. Trong khi đó, những người trực tiếp sử dụng các dịch vụ đó lại chỉ phải trả 5% tiền thuế.
Chính phủ New Zealand đang xem xét đề xuất thu phí cho các tuyến đi bộ đường dài, thu thuế bảo tồn, phí đậu xe tại các điểm tham quan.
Theo quan điểm của Jay Finlayson, chiến lược du lịch của New Zealand nên dựa trên nguyên tắc ưu tiên chính mình trước. “New Zealand là nhà và tương lai lâu dài của chúng tôi", anh tuyên bố.
Năm 2016, người dân đảo Jeju (Hàn Quốc) đã gửi đơn có hàng nghìn chữ ký đến chính phủ nước này, đề nghị bỏ việc miễn thị thực đối với du khách Trung Quốc sau khi xảy ra nhiều vụ gây rối. Người dân Italy, Tây Ban Nha cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình và treo băng rôn tỏ ý không muốn đón thêm du khách quốc tế.