14h ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm xem xét đề nghị hủy hai bản án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội Giết người. Hội đồng thẩm phán gồm hơn chục thành viên gồm Chánh án, Phó chánh án tòa hình sự, một số thẩm phán do Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao...
Đến 17h cùng ngày, phiên tái thẩm kết thúc. Một cán bộ VKSND Tối cao cho biết Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đồng ý với kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Hai bản án tuyên ông Chấn án tù chung thân về tội Giết người bị tuyên hủy.
Ông Chấn được thả tù ngày 4/11. Ảnh: Hà Anh. |
Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: mỗi ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu (theo mức lương tối thiểu của nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường).
Theo Tuổi trẻ, với mức lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng, tức ông Chấn chỉ có thể được bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 115.000 đồng/ngày bị giam oan. Còn những ngày ông bị khởi tố, truy tố, xét xử nhưng không bị giam sẽ được bồi thường bằng một ngày lương tối thiểu (khoảng 38.300 đồng).
Ngoài ra, ông Chấn cũng có quyền đòi bồi thường các tài sản bị hư hỏng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (nếu có); phần thu nhập bị mất do thời gian bị ngồi tù. Về nguyên tắc, việc bồi thường thu nhập sẽ căn cứ vào nghề nghiệp, công việc mà trước đây ông Chấn đã làm có khả năng tạo ra thu nhập trung bình bao nhiêu thì cơ quan gây oan sai cho ông sẽ phải bồi thường bấy nhiêu. Ông Chấn cũng phải có trách nhiệm chứng minh thu nhập của mình trước khi bị bắt là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, ông Chấn cũng có quyền đòi cơ quan tố tụng phải bồi thường do việc bị giảm sút sức khỏe của mình vì phải ngồi tù oan.
Trước đó, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang, chiều ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) có tổ chức trận đá bóng. Khoảng 19h cùng ngày, trận bóng kết thúc, vợ Chấn là Nguyễn Thị Chiến có bảo chồng đi xin nước về phục vụ bán hàng.
Thấy vậy ông Chấn đạp xe đạp sang nhà chị Viễn cuối sân bóng để xin nước. Dọc đường đi, Chấn có qua nhà chị Nguyễn Thị Hoan thấy hai mẹ con người phụ nữ này đang ở trong nhà. Ông Chấn nói với chị Hoan cho mình "quan hệ" nhưng người phụ nữ này không đồng ý. Sau cuộc xô xát, ông Chấn thò tay vào túi quần quần rút ra một con dao bấm đâm nhiều nhát vào bụng, mặt và sườn chị Hoan.
Thấy mặt nạn nhân chảy quá nhiều máu, ông Chấn dùng chiếc gối đậy vào mặt, sau đó đi ra khép cửa lại rồi tắt điện và bỏ trốn bằng cửa chính. Sau khi chở nước về cho vợ bán hàng, ông Chấn quay về nhà để tắm giặt, dùng xà phòng và bàn chải rửa sạch máu dính ở quần áo. 22h cùng ngày, người trong thôn trên đường đi chơi về thấy phát hiện chi Hoan đã chết dưới nền nhà.
Cơ quan chức năng tiến hành khám nhiệm hiện trường vụ án, tìm thấy một lưỡi dao dao bấm rơi cạnh xác nạn nhân, phát hiện trên nền nhà có nhiều dấu chân trần dính máu. Theo cáo trạng, ngày 28/9/2003, ông Chấn đã đến cơ quan điều tra tự thú và khai nhận mình chính là người giết chết chị Hoan. Cùng ngày, ông Chấn bị tạm giam. Sau đó cả hai phiên tòa tỉnh Bắc Giang và Tối cao đều tuyên án chung thân đối với ông Chấn về tội danh Giết người.
Đến sáng ngày 4/11, tại Trại giam Vĩnh Quang (Tổng cục VIII, Bộ Công an), ông Chấn được thả sau hơn 10 năm ngồi tù vì mang tội Giết người để chờ mở phiên tòa tái thẩm.
Trước khi Chấn được thả, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận là người giết chị Hoan chứ không phải ông Chấn như cáo trạng truy tố.