Theo CNBC, Thủ tướng Fumio Kishida thông báo Nhật Bản lên kế hoạch mở cửa từ tháng cuối tháng 5 tại một cuộc họp báo ở London (Anh) hôm 19/5 vừa qua.
Đối với nhiều quốc gia, việc mở cửa du lịch là chuyện đáng ăn mừng. Tuy nhiên, nhiều người Nhật lại cho rằng việc đón khách quốc tế ở thời điểm này là chưa cần thiết. Hơn nữa, họ cũng không mấy mặn mà với các chuyến du lịch bên ngoài xứ mặt trời mọc.
Dai Miyamoto, người sáng lập công ty du lịch Japan Localized cho biết hiện tại người Nhật được phép đi du lịch nước ngoài nhưng nhiều người vẫn chuộng các chuyến đi trong nước hơn.
Du lịch nội địa phát triển
Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến các công ty du lịch ở Nhật buộc phải chuyển mình để tập trung phát triển du lịch trong nước. Các tour du lịch được thay đổi để phù hợp với thị hiếu của dân địa phương.
Du khách tìm kiếm các điểm tắm suối nóng tại thiên đường onsen Beppu, Nhật Bản. Ảnh: Thạch Long. |
Đại diện công ty du lịch Japan Localized chia sẻ sau đại dịch, du khách nội địa có xu hướng chuộng các trải nghiệm ngoài trời, gần gũi thiên nhiên ở những địa điểm vắng vẻ. Các điểm du lịch sôi động ở thành phố lớn không mấy được quan tâm.
Lee Xian Jie, trưởng phòng phát triển của công ty du lịch Craft Tabby cũng cho rằng hầu hết người dân xứ mặt trời mọc đang chuộng các trải nghiệm du lịch thiên nhiên. "Du khách thích dành thời gian cắm trại, tắm suối nước nóng hơn là đến những địa điểm xô bồ, sầm uất", Lee Xian Jie nói.
Chính vì thế, các điểm cắm trại ở nhiều nơi tại Nhật Bản đang hút khách hơn bao giờ hết. Xu hướng này kéo theo dịch vụ cho thuê xe lưu động, các sản phẩm phục vụ nhu cầu cắm trại trở nên đắt khách.
Các mô hình tắm onsen cao cấp kiểu mới cũng đang thu hút đối tượng du khách trẻ ở Nhật. Trong khi đó, nhà tắm kiểu truyền thống lại rơi vào cảnh khát khách khi nhóm khách hàng chính là các du khách cao tuổi, vốn vẫn còn tâm lý lo sợ lây lan Covid-19 ở nơi công cộng.
Ngán cảnh quá tải
Một trong những nguyên nhân khiến người Nhật chưa muốn mở cửa du lịch là do họ không muốn lặp lại tình trạng quá tải như nhiều năm trước đó.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Nhật Bản, quốc gia này đã đón gần 32 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, tăng gấp hơn 5 lần so với 10 năm trước đó. Con số vào năm 2019 chứng tỏ lượng khách quốc tế khổng lồ đến Nhật Bản.
Chính quyền thành phố Kyoto (Nhật Bản) từng ban hành lệnh cấm du khách chụp ảnh selfie ở một số địa điểm của quận trung tâm Gion. Ảnh: Unsplash. |
Sự gia tăng nhanh chóng của khách du lịch đã khiến các địa điểm nổi tiếng như phải vật lộn với tình trạng quá tải, điển hình là Kyoto. Người dân tại đây từng than phiền rằng lượng khách quá đông khiến họ khó bắt xe buýt đến các điểm tham quan trong thành phố, tình trạng khách nước ngoài không có ý thức bảo vệ môi trường, không biết phân loại rác xảy ra thường xuyên.
"Từ khi Covid-19 xảy ra, cố đô Kyoto được trả lại bầu không khí yên bình", Dai Miyamoto, người sáng lập Công ty Du lịch Japan Localized nói.
Khi vắng bóng khách quốc tế, người dân Kyoto cảm thấy dễ thở hơn nhiều. Họ không phải đối mặt với những vị khách thiếu ý thức, những con phố cổ yên ả hơn bao giờ hết. Kyoto như trở về thời điểm cách đây 20 năm, Dai Miyamoto chia sẻ.
Người dân địa phương ở đây đang lo ngại cảnh yên bình sớm tàn khi chính phủ cho phép mở cửa du lịch.
Chưa cần khách quốc tế
Theo The New York Times, hơn 65% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây do đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK thực hiện, cho biết vẫn đồng tình với việc kiểm soát biên giới và mong muốn các biện pháp này cần tiếp tục hoặc siết chặt hơn.
Người dân cũng cho rằng khách quốc tế cần thực hiện xét nghiệm Covid-19 chặt chẽ và nên đi theo tour trọn gói thay vì du lịch tự túc. Một số khác cho rằng họ vẫn chưa cảm thấy yên tâm khi chính phủ mở cửa đón khách quốc tế với điều kiện áp dụng biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Hình ảnh rừng tre lâu đời Arashiyama bị du khách khắc tên và một du khách Trung Quốc nhảy vào hồ thiêng trong đền cổ Kiyomizu (Kyoto). Ảnh: Straits Times, Daily Mail. |
Năm 2021, một khảo sát của tờ Asahi Shimbun cũng cho các kết quả tương tự khi hơn 80% người Nhật phản đối tổ chức Olympic 2020 giữa lúc làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.
Hiện, đối tượng phản ứng với các chính sách mở cửa du lịch phần lớn là người cao tuổi. Cứ mỗi ba người dân lại có một người trên 65 tuổi, Nhật Bản trở thành quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất trên thế giới, theo khảo sát của tổ chức PRB.
Shion Ichikawa, chuyên viên quản lý rủi ro tại một tập đoàn Internet, nhận định: "Người cao tuổi có góc nhìn khép kín và định kiến hơn những người trẻ. Họ cho rằng khách nước ngoài là nguồn lây lan Covid-19 nhanh chóng. Hơn nữa, nhóm này cũng lo sợ mắc Covid-19 nhiều hơn và hạn chế tiếp xúc nơi đông đúc".
Shintaro Okuno, đối tác và chủ tịch của Bain & Company Japan, cho biết người Nhật không mảy may đến khách quốc tế là điều dễ hiểu. Bởi, chi tiêu của du khách nước ngoài đóng góp ít hơn 5% vào tổng sản phẩm quốc nội chung của Nhật Bản. Cũng vì thế, chính phủ Nhật Bản vẫn ưu tiên các ngành công nghiệp khác hơn du lịch.
Trái ngược với những quan điểm trên, nhiều cư dân tại các thành phố lớn có cái nhìn cởi mở hơn trong việc mở cửa du lịch. Mikami, cư dân sống tại Tokyo chia sẻ: “Nhật Bản đang quá khắt khe và bảo thủ trong việc kiểm soát Covid-19".
Miyako Komai, một giáo viên sống ở Tokyo, cho biết cô sẵn sàng sống chung với dịch bệnh để trở lại cuộc sống như trước đây.
“Tôi thấy nên cởi mở với du khách nước ngoài hơn nữa để nền kinh tế có thể phục hồi. Tôi không đồng ý với các biện pháp kiểm soát gắt gao người nhập cảnh. Nhiều nơi trên thế giới đã trở lại cuộc sống bình thường, tôi cũng mong muốn điều đó", Miyako Komai nói.