Ngày 17/3, dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tính đến tháng 12/2020 cho thấy giá trị tài sản của các hộ gia đình nước này tăng 2,9% so với một năm trước đó, lên mức kỷ lục 1.948 nghìn tỷ yen (gần 18.000 tỷ USD).
Trong đó, 1.056 nghìn tỷ yen là tiền mặt và tiền gửi. Điều này là do nhiều người vẫn coi tiền mặt là công cụ thanh toán đứng đầu trong các giao dịch, đồng thời phần lớn dân số xứ Phù Tang già, không mặn mà thay đổi hình thức thanh toán. Ngoài ra, việc giữ tiền mặt trong nhà vào thời điểm dịch bệnh cũng khiến nhiều người cảm thấy yên tâm hơn.
Theo Reuters, đây là kết quả của việc người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, tránh xa các nhà hàng cũng như hoạt động ngoài trời do dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 cũng khiến người dân xứ anh đào có xu hướng tiết kiệm hơn là chi tiêu hào phóng.
Giá trị tài sản do khu vực doanh nghiệp nắm giữ cũng tăng 6,2%, lên mức 1.275 nghìn tỷ yen, trong đó gần 1/4 là tiền mặt và tiền gửi.
Dịch bệnh khiến nhiều người Nhật có xu hướng tiết kiệm. Ảnh: Reuters. |
Những dữ liệu này cũng nhấn mạnh thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc kích thích tiêu dùng vì sự ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng do dịch bệnh khiến nhiều công ty không thể tăng lương cho nhân viên.
Vào tháng 11/2020, để khuyến khích người dân đi du lịch, chính phủ Nhật Bản từng triển khai chiến dịch "Go To Travel". Theo đó, người dân xứ anh đào được trợ cấp chi phí khách sạn, phương tiện đi lại, vé vào các điểm tham quan du lịch và các dịch vụ khác, lên tới 20.000 yen (185 USD)/ngày.
Chỉ sau khoảng một tháng phát động, khoảng 4,2 triệu người Nhật đã sử dụng các ưu đãi của chương trình này.
Tính đến ngày 16/3, Nhật Bản ghi nhận khoảng 448.400 người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Khoảng 9.000 người đã tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu tại Nhật Bản.